Ngày 24/8, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Diễn đàn đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng APEC và Tổng giám đốc doanh nghiệp (CEO) về sử dụng có trách nhiệm nguồn lực thúc đẩy sản xuất và kinh doanh nông nghiệp bền vững, đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham dự và phát biểu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong những năm gần đây, tác động của tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa, các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng nhiều bát ổn khác đang khiến các tài nguyên đất, biển và rừng đang ngày càng khan hiếm, thách thức tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế thành viên APEC.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi có biến động diễn ra. Do vậy, cũng chính cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng phù hợp nhất để tuyên truyền nhận thức về sự khan hiếm tài nguyên, thúc đẩy hành vi sản xuất và khai thác tài nguyên có trách nhiệm, đảm bảo nguồn lợi cho phát triển bền vững và thúc đẩy việc tối đa hoá lợi ích thu được từ tài nguyên, tái đầu tư nhằm tái tạo nguồn lợi tự nhiên; đồng thời, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách của mỗi nền kinh tế khu vực.
[APEC 2017: Thu hẹp khoảng cách phát triển ở vùng sâu vùng sâu, vùng xa]
Sự có mặt của 25 đoàn đại biểu với gần 150 đại biểu từ các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong APEC tại diễn đàn đối thoại lần này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khẳng định nhận thức chung về vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp khu vực trong nỗ lực ứng phó tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm tài nguyên nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Nathan M. Belete, Giám đốc Phụ trách Nông nghiệp vùng châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù trong thời gian qua, các nền kinh tế trong khu vực đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ổn định sản lượng và chất lượng chuỗi thực phẩm của khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng thực tế cho thấy các nỗ lực này là chưa hiệu quả. Toàn thế giới có hơn 2 tỉ người không đủ dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày, trong đó gần 200 triệu trẻ em bị còi cọc, suy dinh dưỡng nặng; trong khi đó tình trạmg lãng phí lương thực, tài nguyên tại các nước phát triển vẫn chưa được cải thiện.
Như vậy, vấn đề đặt ra là mọi nỗ lực của các Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp nếu hoạt động riêng rẽ sẽ khó có thể tạo ra sức mạnh tổng thể và bền vững để tạo ra động lực thực hiện các mục tiêu chung hoặc tạo ra hiệu ứng xã hội cần thiết trong công tác bảo tồn tài nguyên khu vực.
Theo bà Anne Ruston - Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia, một trong những giải pháp điển hình cho vấn đề này chính là phát triển hình thức hợp tác công tư nhằm vận động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội bao gồm: nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; nguồn tài chính dồi dào phục vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, khoa học công nghệ trong sản xuất, quản lý giúp giảm thất thoát và lãng phí lương thực.
Bà Anne Ruston nhấn mạnh, không có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, mọi nỗ lực của các Chính phủ sẽ trở nên đơn độc, không phát huy được sức mạnh lan truyền, cổ vũ và tạo động lực huy động nguồn lực xã hội. Australia chủ trương đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực tư nhân, doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế thành đối tác chính của Chính phủ trong công tác bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên thích ứng biến đổi khí hậu và mong muốn được hỗ trợ, đồng hành cùng các nền kinh tế khu vực phát triển hình thức hợp tác này.
Một giải pháp triển vọng khác, theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lavifood (Việt Nam) chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo ra các cơ sở trồng trọt chăn nuôi hiện đại, không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, giúp nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong canh tác; qua đó cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn và đạt lợi nhuận cao hơn các sản phẩm chính vụ. Không những vậy, hiệu ứng nhà kính với các môi trường nhân tạo được tạo ra còn có thể giúp nông dân tránh được các rủi ro thời tiết, sâu bệnh và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị đất đai, thị trường được mở rộng.
Mặt khác, môi trường nhân tạo thích hợp với các giống cây trồng mới có sức chịu đựng sự bất lợi của thời tiết cao hơn đồng thời cũng sẽ chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Điều này thích hợp với các vùng đất khô cằn không thuận với sản xuất nông nghiệp như vùng trung du, miền núi, vùng bị sa mạc hoá ở Việt Nam. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng chia sẻ: Công ty cổ phần Lavifood trong những năm qua đã xây dựng nhiều mô hình điểm nông nghiệp công nghệ cao cùng các nhà máy chế biến, đóng hộp sản phẩm trái cây áp dụng kỹ thuật hiện đại tại các tỉnh khu vực miền Nam như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh với tổng năng suất tăng gần gấp đôi và công suất thành phẩm lên đến hàng trăm nghìn tấn sản phẩm/năm và đang xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cũng đề xuất phương hướng vận hành sản xuất nông nghiệp lấy thị trường làm chuẩn, bởi mỗi thị trường lại hướng đến một tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm khác nhau. Nắm bắt được thị trường mình muốn hướng đến, doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể tạo ra giá thu mua tốt nhất cho nông dân, đồng thời đàm phán hiệu quả với các nhà cung cấp để hỗ trợ nông dân về giống, công nghệ, tài chính, phân bón và quan trọng nhất là các mô hình sản xuất tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm nước và năng lượng; qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất mà vẫn đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Trao đổi về định hướng của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn hoàn toàn thống nhất với chia sẻ, đề xuất, đóng góp của các đại biểu tham dự diễn đàn.
Theo ông Tuấn, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn đó là đang trong quá trình chuyển đổi và là ngành chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Để ứng phó với những thử thách này, đồng thời đồng hành cùng các nền kinh tế thành viên APEC trong công tác duy trì và nâng cao tính bền vững của nền nông nghiệp khu vực, Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu./.