Apple đối mặt với án phạt mới từ châu Âu và Nga

Án phạt này sẽ làm tăng các vấn đề pháp lý của Apple tại EU, khi các cơ quan quản lý của EU đang nỗ lực tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tính năng Apple Intelligence. (Nguồn: pymnts)
Tính năng Apple Intelligence. (Nguồn: pymnts)

Theo các nguồn tin thân cận, Apple sắp phải đối mặt với án phạt của cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) theo quy định của khối này, nhằm hạn chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn.

Hồi tháng Sáu, cơ quan quản lý EU đã cáo buộc Apple vi phạm quy định về công nghệ của EU. Đây là cáo buộc đầu tiên của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Apple theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật Số (DMA).

Nguồn tin cho biết án phạt đối với Apple có thể được công bố trong tháng này, mặc dù thời gian cụ thể vẫn có thể thay đổi.

Án phạt này sẽ làm tăng các vấn đề pháp lý của Apple tại EU, khi các cơ quan quản lý của EU đang nỗ lực tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Động thái diễn ra chỉ vài tháng sau khi EC phạt Apple 1,84 tỷ euro (tương đương 2,01 tỷ USD) vào tháng Ba vì hành vi cản trở cạnh tranh của các đối thủ trong lĩnh vực phát nhạc trực tuyến, thông qua việc áp đặt các hạn chế trên App Store. Đây là lần đầu tiên Apple bị phạt vì vi phạm các quy định của EU.

Apple cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra liên quan đến việc áp dụng khoản phí mới đối với các nhà phát triển ứng dụng. Các vi phạm liên quan đến Đạo luật DMA có thể khiến Apple bị phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hàng năm.

Hiện Apple và EC chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hồi tháng Chín, Apple đã thua trong một vụ kiện kéo dài với EU, buộc công ty này phải nộp 13 tỷ euro tiền truy thuế cho Ireland.

Trong một diễn biến khác, Tòa án quận Tagansky ở thủ đô Moscow (Nga) đã ra phán quyết phạt Apple Inc. 3,6 triệu rubles (khoảng 36.800 USD) do không xóa các thông tin bị cấm tại Nga.

Thông báo của tòa án nêu rõ Apple bị kết tội vi phạm quy định hành chính “do không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin theo luật pháp Nga."

Trong những năm qua, nhiều dịch vụ trực tuyến lớn như Apple, Google và Telegram đã nhiều lần bị phạt ở Nga vì không xóa bỏ những nội dung mà giới chức Nga coi là bị cấm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục