ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững

Đại diện UNDP nêu rõ các sự kiện tại Diễn đàn Quốc tế ASEAN-Trung Quốc là lời nhắc nhở mạnh mẽ về nhu cầu cấp thiết theo đuổi một con đường phát triển bền vững - con đường bảo tồn cho thế hệ mai sau.
ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững ảnh 1Đại diện UNDP khẳng định mối quan hệ đối tác lâu dài và sôi động giữa ASEAN và Trung Quốc là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác khu vực. (Nguồn: The Jakarta Post)

Các sự kiện tại Quế Lâm - nơi có những ngọn núi, dòng sông với cảnh sắc tuyệt đẹp và nền văn hóa đa dạng - là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về nhu cầu cấp thiết phải theo đuổi một con đường phát triển bền vững phía trước - một con đường bảo tồn những nguồn tài nguyên dồi dào cho các thế hệ mai sau.

Trên đây là phát biểu của ông James George - Phó Đại diện Thường trực của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Trung Quốc - tại Diễn đàn Quốc tế ASEAN-Trung Quốc năm 2023.

Diễn đàn Quốc tế ASEAN-Trung Quốc năm 2023 về Đổi mới và Hợp tác vì Phát triển Bền vững đã bế mạc ngày 16/7 tại thành phố du lịch Quế Lâm, Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc.

Diễn đàn kéo dài ba ngày đã thu hút nhiều quan chức, chuyên gia, học giả từ Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và viện nghiên cứu.

Các chủ đề như chuyển giao công nghệ xanh, phát triển các thành phố du lịch và kinh nghiệm về xây dựng các khu giới thiệu đổi mới sáng tạo quốc gia về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) - đã được các đại biểu trao đổi tại sự kiện này.

Trung Quốc hồi năm 2018 đã phê duyệt cho các thành phố Thâm Quyến, Thái Nguyên và Quế Lâm xây dựng các khu này để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đây là một biện pháp cụ thể mà Chính phủ Trung Quốc theo đuổi để thực hiện SDGs của Liên hợp quốc - theo Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

[Hội nghị AMM-56: ASEAN, Trung Quốc nhất trí đẩy nhanh đàm phán COC]

Trung Quốc đến nay đã thành lập 11 khu giới thiệu đổi mới như vậy để tìm kiếm giải pháp cho tăng trưởng bền vững. Trung Quốc sẵn sàng tích cực hợp tác với các nước ASEAN, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và thành tựu phát triển bền vững - Bộ trên cho biết.

“Mối quan hệ đối tác lâu dài và sôi động giữa ASEAN và Trung Quốc là minh chứng cho sức mạnh của hợp tác khu vực và có thể đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến trình hướng tới tham vọng chung của SDGs” - quan chức UNDP James George cho biết.

Các mối liên kết sâu sắc hơn

Đầu tháng này, Ngân hàng OCBC của Singapore nhận định mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong trung hạn.

Hợp tác ngày càng gia tăng giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ thúc đẩy các mối liên kết sâu sắc hơn - các nhà kinh tế Tommy Xie Dongming và Lavanya Venkateswaran của OCBC cho biết trong một báo cáo.

Mặc dù tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm tốc rõ rệt do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế, trao đổi thương mại ASEAN-Trung Quốc dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong cả năm nay - hai chuyên gia trên cho biết.

Tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tiếp tục đà tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Tính đến hết quý 1 năm 2023, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến ASEAN đang có xu hướng tăng rõ rệt và dự báo sẽ tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Tuần lễ Vàng nhân dịp Quốc khánh từ ngày 1/10 tới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào ASEAN đã tăng kể từ đại dịch COVID-19, đây có thể là dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế ASEAN đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu từ mỗi quốc gia ASEAN-4 này đang ngày càng phong phú hơn, cho thấy sự đa dạng hóa và tăng cường kết nối giữa hai bên - theo các chuyên gia của Ngân hàng OCBC.

ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững ảnh 2Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, tại Jakarta (Indonesia) ngày 13/7/2023. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Trong một diễn biến liên quan, ASEAN và Trung Quốc hôm 13/7 vừa qua đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định Trung Quốc là đối tác chính của ASEAN vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Giờ đây, mối quan hệ đối tác của chúng ta càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh các thách thức đang ngày càng gia tăng” - người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia - quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2023 - khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục