Azerbaijan muốn phối hợp với Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả

Nhiều vấn đề về vấn nạn tin giả được đặt ra và thảo luận tại tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan và Đại sứ quán Azerbaijan đồng tổ chức.
Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov cho biết tin giả cũng là vấn đề nhức nhối tại đất nước mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov cho biết tin giả cũng là vấn đề nhức nhối tại đất nước mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 26/11, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan và Đại sứ quán Azerbaijan phối hợp tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm của báo chí với tin tức giả” nhằm phản ánh tình hình thực tế về cuộc chiến chống tin giả tại Việt Nam và Azerbaijan cũng như bày tỏ thiện chí chia sẻ thông tin chính thống đến truyền thông Việt Nam.

Đặt vấn đề khai mạc tọa đàm, tiến sỹ Đào Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm, cho rằng hiện nay sự phát triển của mạng xã hội cùng với một số mặt trái của kinh tế thị trường đang là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động của báo chí. Để giành giật độc giả, không ít tờ báo đã coi nhẹ sự thật và đạo đức nghề nghiệp, chạy theo cách làm báo câu view, câu like.

Azerbaijan muốn phối hợp với Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả ảnh 1Tiến sỹ Đào Xuân Tiến,Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa-Lịch sử-Khoa học Azerbaijan, phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc cách thức truyền tải thông tin. Hiện nay tham gia vào mạng lưới truyền thông không chỉ có các cơ quan thông tin được cấp phép mà còn các trang mạng xã hội, những người thường xuyên sử dụng Facebook, YouTube, Twitter,” ông nói.

“Tin giả là chủ đề được xã hội rất quan tâm và có ảnh hưởng sâu sắc đối với hoạt động báo chí nước ta hiện nay. Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường,” ông Tiến bày tỏ quan ngại.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định việc nâng cao trách nhiệm của báo chí, tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, đảm bảo an toàn trên không gian mạng sẽ góp phần tích cực bảo vệ gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định, bảo vệ chủ quyền của đất nước, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Từ đó, tiến sỹ Đào Xuân Tiến cho rằng nhà báo cần nâng cao trách nhiệm của mình trong hoạt động báo chí.

“Nhiệm vụ của báo chí là đưa thông tin trung thực, công bằng, ngoài ra còn phải tham gia kiểm chứng thông tin và bóc trần những tin tức giả, đưa những thông tin tích cực, có ích, ‘lấy cái đẹp, dẹp cái xấu,’ nhanh chóng kịp thời cung cấp thông tin chính xác để đẩy lùi những thông tin sai trái, độc hại,” ông chia sẻ.

Tiến sỹ Đào Xuân Tiến lấy ví dụ việc tuyên truyền đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không những giúp chúng ta nhận thức đúng những vấn đề lớn có liên quan đến việc bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển xã hội và bảo đảm quyền con người mà còn có tác dụng chống lại những tin tức xuyên tạc về Đảng và Nhà nước.

Tán thành quan điểm đó, Đại sứ Azerbaijan Anar Imanov cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin chính thống về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa Azerbaijan cho các cơ quan báo chí của Việt Nam, góp phần đưa hình ảnh đất nước gần gũi hơn với nhân dân Việt Nam.

[Tin giả về lũ lụt miền Trung: Thiên tai chưa qua, 'nhân họa' đã tới]

“Fake news đang trở thành công cụ để các đối tượng xấu sử dụng, tác động tiêu cực đến cộng đồng. Sự phát triển của mạng xã hội, trang tin điện tử tạo môi trường lớn cho tin giả len lỏi. Đây cũng là vấn đề tin giả rất nhức nhối trong xã hội Azerbaijan. Đặc biệt khi dẫn nguồn tin từ báo nước ngoài sẽ khó kiểm chứng được đó có phải tin giả hay tờ báo đó có uy tín hay không,” ông cho biết.

“Ở cương vị một nhà ngoại giao, nhiệm vụ của tôi chính là góp phần làm hai nước xích lại gần nhau hơn trong không khí hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Tôi mong muốn có thể đưa các hình ảnh đẹp của đất nước đến Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin về Việt Nam đến Azerbaijan,” ông nói thêm.

Azerbaijan muốn phối hợp với Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả ảnh 2Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định tin giả ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Ông lấy ví dụ về thí nghiệm mà một nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện để tạo ra một clip Tổng thống Obama đang phát biểu. Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác và phân tích nguồn dữ liệu âm thanh, sau đó tạo nên những hình ảnh cho miệng của nhân vật chủ thể trong video sao cho khớp với từ ngữ đang nói ra.

“Thực tế Việt Nam có một hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ về quản lý báo chí. Nhà báo hoạt động trên cơ sở tuân thủ luật báo chí, luật an ninh mạng, nghị định, quy định về thông tin đối ngoại. Ngoài ra, các nhà báo còn có quy tắc đạo đức báo chí và thường xuyên tăng cường học tập nâng cao nghiệp vụ để chủ động ứng phó với tin giả,” ông Oanh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục