Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực

Dù các đại học đều khẳng định không phát hành tài liệu ôn tập, không cần luyện thi, nhưng thị trường sách tham khảo, các khóa học "ăn theo" kỳ thi đánh giá năng lực vẫn mọc lên như nấm.
Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 1Các sách tham khảo về thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình)

Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh

Với hàng trăm trường đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển, các thí sinh đã đổ xô dự thi nên dễ nhận thấy các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy “lên ngôi” trong mùa tuyển sinh năm 2022.

Cũng bởi thế, trên khắp mạng internet, thông tin luyện thi được đăng tải tràn lan với nhiều loại hình, mức giá nhằm thu hút thí sinh sử dụng dịch vụ...

Nhiều “chiêu” thu hút thí sinh

Theo khảo sát của phóng viên VietnamPlus, hiện nay các sách luyện thi đều gắn các cụm từ có tính kích thích nhu cầu của thí sinh như “tốc chiến luyện đề kiểm tra tư duy,” “tăng tốc luyện đề thi đánh giá năng lực,” “giải mã đề thi đánh giá năng lực,” “tổng ôn cấp tốc luyện thi đánh giá năng lực”…

Một số tài liệu được giới thiệu “là cuốn sách duy nhất” được xây dựng phù hợp với đề thi, phương pháp, kỹ năng làm bài có trong kỳ thi đánh giá năng lực của các trường như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… có giá khoảng gần 200.000 đồng/cuốn.

Thậm chí, nhiều cuốn tuy do các đơn vị sản xuất khác nhau nhưng được giới thiệu in ấn bởi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều này dễ gây hiểu lầm cho thí sinh là sách được sản xuất bởi Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực quy mô nhất khu vực phía Bắc.

Về các khóa luyện thi, nhiều đơn vị đưa ra mức học phí từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Các khoá học được giới thiệu là “tập trung vào những nội dung đặc biệt, riêng biệt có trong bài thi đánh giá năng lực,” “hướng dẫn cách nhận diện, phương pháp làm bài cho những nội dung đặc thù có trong đề thi”...

[Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi]

Khóa “tổng ôn toàn diện luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh” của Hệ thống giáo dục HOCMAI có học phí là 2,9 triệu đồng/gói. Hệ thống này cũng tổ chức khóa luyện thi cấp tốc 90 ngày cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với mức học phí 1,2 triệu đồng. Trung tâm Luyện thi Marathon Eduacatione đưa ra chương trình cấp tốc luyện thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với quảng cáo “cơ hội đỗ đại học tốp đầu cả nước với chỉ 13 buổi ôn tập, luyện thi cấp tốc cam kết 800+ điểm đầu ra.”

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 2Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Trên mạng xã hội Facebook, thị trường ôn luyện lại càng phong phú với các loại khoá học theo nhiều loại hình và nhiều mức giá, từ các bài giảng sẵn có giá chỉ trên 100.000 đồng đến các khoá trực tuyến có giá vài triệu đồng. Các khoá học với tên gọi hấp dẫn như “khoá ôn thi mục tiêu 900+,” “bứt tốc về đích trong 90 ngày”… Thậm chí, có trang Facebook sử dụng hình ảnh logo của Đại học Quốc gia Hà Nội làm ảnh đại diện hoặc ghép trên ảnh bìa để tạo niềm tin cho thí sinh...

“Khi lên mạng tìm hiểu thông tin, thật sự em hoang mang vì không biết lựa chọn sách nào, trung tâm nào để ghi danh vào ôn luyện,” em Nguyễn Tiến Hùng (Hà Nội), một thí sinh của kỳ thi năm nay tâm sự.

Các trường nói gì?

Theo lãnh đạo các trường đại học, khi tổ chức thi riêng, các trường không phát hành tài liệu luyện thi, không tổ chức luyện thi đồng thời khuyên thí sinh không nên tham gia các khoá luyện thi. Không để phát sinh luyện thi cũng là một trong những yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các đại học khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Phó giáo sư Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng tuyển sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh thay vì tham gia các khoá luyện thi, thí sinh cần nắm chắc các kiến thức cơ bản trong chương trình để có thể làm tốt bài thi, tránh học lệch, học tủ.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi không phát hành bất cứ một tài liệu luyện thi nào, không khuyến khích luyện thi. Tất cả các chuyên gia xây dựng ngân hàng câu hỏi không tham gia các hoạt động tổ chức luyện thi, kể cả với các tổ chức hay cá nhân.”

Ông Chính cho rằng việc các tổ chức, cá nhân bên ngoài phát triển các khoá luyện thi dựa trên cấu trúc đề thi đã được các đơn vị tổ chức thi công bố là điều không tránh khỏi theo quy luật cung cầu. “Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khuyên thí sinh không nên luyện thi. Còn nếu em nào vẫn muốn luyện thi thì nên sáng suốt lựa chọn vì trong một thị trường không có kiểm soát sẽ rất dễ có những nhóm, tổ chức, cá nhân đưa ra các chương trình luyện thi không chất lượng,” ông Chính nói.

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 3Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: BTC)

Đây cũng là chia sẻ của giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Thảo cho rằng bất cứ kỳ thi nào cũng sẽ có nhiều người tổ chức luyện thi, lôi kéo thí sinh.

“Tâm lý của thí sinh là luôn muốn có một người đi trước hướng dẫn chỉ bảo nhưng việc luyện thi ở những nơi đó hiệu quả không nhiều vì kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi chuẩn hoá, không nhằm kiểm tra kiến thức mà đánh giá khả năng vận dụng kiến thức. Hiểu được điều đó thí sinh sẽ tránh sa lầy vào các đề luyện, các chiêu bài được vẽ ra, không tốn tiền và thời gian cho các khoá luyện thi không đáng. Thí sinh nên tập trung vào kiến thức cơ bản ở trường,” ông Thảo nói.

“Bí quyết” để làm tốt bài đánh giá năng lực

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính cho hay bài thi đánh giá năng lực không yêu cầu học sinh phải nhớ, học thuộc lòng, không hỏi nhiều chi tiết mà cung cấp rất nhiều dữ kiện, đòi hỏi thí sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề. “Do đó, chúng tôi khuyến khích các em học tốt ở trường và không cần luyện thi. Các em đạt kết quả tốt ở kỳ thi đánh giá năng lực phần lớn là các em không luyện thi mà có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ. Đó là thông điệp mà Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh muốn gửi đến thí sinh,” ông Chính nói.

Ông Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo do các đơn vị tổ chức thi công bố chính thức để biết cách ra đề, cách tư duy để giải quyết vấn đề đặt ra trong câu hỏi thi. Thí sinh nên làm đề thi thử trước khi đăng ký thi để biết mình có phù hợp với phương thức thi này hay không. Trước ngày thi thật, thí sinh nên làm bài thi thử để quen với thao tác trên máy tính, tránh bị mất thời gian và ảnh hưởng tâm lý do lúng túng với các thao tác.

[Trên 1.100 thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia Hà Nội]

“Các đơn vị tổ chức thi đều công khai đề thi thử, hướng dẫn cách làm bài, các bước làm bài… trên cổng thông tin điện tử chính thức của mình. Thí sinh chỉ cần nghiên cứu kỹ các tài liệu này và nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm tốt bài thi,” giáo sư Nguyễn Tiến Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu phục vụ việc tuyển sinh của các trường, ngành nhóm trên, có điểm chuẩn cao, ở ngưỡng từ khoảng 24 điểm trở lên theo cách xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Có 65 trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển nhưng các trường chỉ dành một phần khoảng từ 10 đến 30% chỉ tiêu cho phương thức này, chủ yếu cho nhóm ngành tốp trên, bên cạnh các phương thức tuyển sinh khác.

Vì vậy, giáo sư Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh cần cân nhắc năng lực bản thân và mức điểm chuẩn của trường, ngành có nhu cầu xét tuyển. Nếu điểm chuẩn của ngành xét tuyển chỉ ở mức từ 22 điểm trở xuống, thí sinh không cần dự thi đánh giá năng lực mà có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức khác như học bạ hay điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Điều này giúp giảm thời gian, công sức và tài chính cho thí sinh, giảm lãng phí xã hội,” ông Thảo nhấn mạnh.

Mời độc giả đón đọc cả chùm bài:

Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi

Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh

 Bài 3: Học sinh, giáo viên căng mình ôn luyện cho nhiều kỳ thi

Bài 4: Lo thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục