Báo chí quốc tế: Nhiều thành tựu chờ đợi Việt Nam ngay đầu thập kỷ

Tờ Straits Times dự báo Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, thậm chí trở thành kỳ tích châu Á trong khi Australian Financial Review cho rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới.
Báo chí quốc tế: Nhiều thành tựu chờ đợi Việt Nam ngay đầu thập kỷ ảnh 1Dây chuyển may hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhiều tờ báo quốc tế trong vài ngày qua đã có những bài viết phân tích về thành tựu phát triển của Việt Nam trong năm 2020, cũng như về triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới.

Tờ Straits Times (Singapore) có bài viết nêu rõ năm 2020, Việt Nam đã đạt được thành tích mà những quốc gia khác phải ghen tỵ, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng 2,9% vào năm ngoái, thành tích tốt nhất trong khu vực so với tốc độ tăng trưởng âm của các nước láng giềng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự thành công này là việc Việt Nam đã ứng phó với đại dịch COVID-19 từ rất sớm và hiệu quả. Việc phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi Trung Quốc công bố các ca nhiễm đầu tiên và huy động toàn bộ 100 triệu người dân giúp phát hiện những người bị lây nhiễm và truy vết những người tiếp xúc.

Việc kiểm soát nhanh chóng đại dịch đã cho phép Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế vào cuối tháng 4/2020 và tập trung vào việc phục hồi.

[Standard Chartered: Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021]

Một trong những mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm được khẳng định tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025 so với năm 2020, đồng thời tiếp tục kiên trì mục tiêu dài hạn là từ nước thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo Straits Times, thành công kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua là kết quả công cuộc đổi mới được Việt Nam tiến hành từ năm 1986 đến nay. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành rất nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh, đồng thời tập trung đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Việc Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại quốc tế, cũng như ký kết các thoả thuận, hiệp định thương mại quốc tế, mới đây nhất là EVFTA, đã tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, với các nhà sản xuất hàng may mặc và các gã khổng lồ điện tử đều thiết lập nhà máy ở đó. Đến năm 2017, nó trở thành nhà xuất khẩu quần áo lớn nhất và nhà xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ hai trong khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ít nhất 5% một năm so với năm 2010, đạt 7% vào năm 2018 và 2019 và dự kiến sẽ tăng trưởng năm 6,5% vào năm 2020 nếu như đại dịch COVID-19 không xuất hiện.

Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị bằng cách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, nhằm hướng tới các lĩnh vực giá trị tăng thêm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

Straits Times cho hay nhiều nhà phân tích lạc quan về khả năng tiếp tục tăng trưởng và phát triển của Việt Nam - thậm chí trở thành kỳ tích châu Á tiếp theo. Dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cao, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.

Cùng chung nhận định với tờ Straigt Times, The Diplomat cho rằng Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Dịch bệnh được khống chế và nền kinh tế vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng vào năm 2020. Dòng vốn đầu tư cũng tiếp tục đổ vào mạnh mẽ, khiến đất nước có vị thế tốt để phục hồi sau đại dịch.

The Diplomat lưu ý rằng trong những thập kỷ gần đây, đầu tư và thương mại tư nhân đã thành động lực thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế đang dần xa rời sở hữu nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực sự cạnh tranh cao như dệt may và bán lẻ.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu ổn, dài hạn dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể và tạo nhiều việc làm cho lao động. Những điều này hiện đang là một phần quan trọng trong thành công của Việt Nam, cùng với sự hoạt động mạnh mẽ của doanh nghiệp và người tiêu dùng; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Những yếu tố tổng thể trên giúp nền kinh tế Việt Nam có thêm cơ hội trong khi ứng phó với dịch bệnh COVID-19 cũng như nhanh chóng phục hồi khi đại dịch kết thúc.

Trong khi đó, Tạp chí The Australian Financial Review của Australia cũng dự báo Việt Nam là một trong ba nước trở thành “anh hùng” trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21. Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt đẹp nhất trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

The Australian Financial Review nêu rõ thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong đối phó với đại dịch COVID-19 đã tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định có thể giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục