Báo Financial Times ca ngợi mô hình dập dịch COVID-19 của Việt Nam

Trang Financial Times viết rằng "Việt Nam đã cho thấy mô hình dập dịch bệnh ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng đứng đầu là những lãnh đạo đầy quyết tâm."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trang mạng của tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) chuyên về tin tức tài chính và kinh doanh ở Anh và quốc tế ngày 24/3 đăng bài ca ngợi nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Trong bài viết "Cuộc chiến chống virus corona của Việt Nam được ca ngợi nhờ mô hình chi phí thấp," tờ Financial Times khẳng định Việt Nam đang làm rất tốt cuộc chiến chống dịch bệnh.

Theo bài viết, "Việt Nam đã cho thấy mô hình dập dịch bệnh ở một quốc gia có nguồn lực hạn chế, nhưng đứng đầu là những lãnh đạo đầy quyết tâm."

Bài viết nhắc lại vào thời điểm dịch bệnh mới chỉ xuất hiện tại Trung Quốc, khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn Tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại một cuộc họp về virus Corona của Chính phủ." Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo khả năng chủng mới của virus corona có thể sớm đến Việt Nam và ngay lập tức đã triệu tập cuộc họp chính phủ, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc.”

Trang Financial Times gọi đây là cuộc tổng tấn công chống COVID-19 của Việt Nam và câu chuyện thành công của Việt Nam nổi bật với sự chung tay của đội ngũ y, bác sỹ và Quân đội.

Thay vì tiến hành việc xét nghiệm trên diện rộng, giống như cách quốc gia giàu có hơn là Hàn Quốc đối phó với COVID-19, Việt Nam chọn hình thức tập trung phát hiện sớm các ca nghi nhiễm và tiến hành cách ly, đồng thời huy động cả xã hội nỗ lực hết sức chống lại sự bùng phát của dịch bệnh.

“Điều quan trọng là phải nắm bắt được số lượng người có thể đã tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc đi từ vùng dịch về, sau đó, thực hiện xét nghiệm trên những người này. Ngoài xét nghiệm, các biện pháp kiểm tra và cách ly cũng rất quan trọng”, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay.

Trang Financial Times cũng nhắc tới các biện pháp như đóng cửa trường học, phong tỏa một khu vực dân cư rộng lớn, cụ thể là xã Sơn Lôi, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc với hơn 10.000 nhân khẩu trong 21 ngày...

Trong số các ca nhiễm COVID-19 mới mà Việt Nam ghi nhận những ngày gần đây, hầu hết bệnh nhân đều trở về từ nước ngoài hoặc có liên quan đến dịch bệnh từ bên ngoài. 

Truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ và phòng tránh.

Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn văn bản cho người dân, trong đó cập nhật tin tức và lời khuyên về sức khỏe liên quan đến dịch COVID-19.

[Báo quốc tế đánh giá cao sự nhanh chóng, minh bạch của Việt Nam]

Một cuộc khảo sát gần đây do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam tiến hành cho thấy đa số người được hỏi “nắm rõ” các triệu chứng của COVID-19.

Các nỗ lực chống dịch bệnh của chính phủ được người dân ủng hộ, thể hiện qua các bài đăng trên mạng xã hội với nội dung cổ vũ đội ngũ y, bác sỹ và những lời khuyên: “Ở yên trong nhà chính là yêu nước!.” Mỗi người dân Việt Nam chính là một “mắt xích” trong mạng lưới giám sát dịch bệnh của Nhà nước.

Theo Financial Times, ngoài công tác phòng chống dịch, Chính phủ Việt Nam cũng xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giả về dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận. Khoảng 800 người phao tin giả trên mạng đã bị phạt thích đáng.

Tác giả bài viết còn dẫn đánh giá của Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội, ông Kidong Park, ca ngợi sự chủ động và nhất quán của Việt Nam trong suốt quá trình chống dịch bệnh.

Finacial Times cũng trích dẫn nhận xét của Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales của Australia: “Việt Nam là một xã hội huy động, với lực lượng công an, quân đội cùng nhiều cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của chính phủ rất giỏi, từng ứng phó với thiên tai”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục