Bão số 4 đã suy yếu dần, chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới

Bão số 4 đi vào vùng biển Nam Định-Thanh Hóa đã suy yếu dần, từ khoảng 5 giờ sáng 17/8, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa.
Bão số 4 đã suy yếu dần, chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới ảnh 1Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov)

"Bão số 4 đi vào vùng biển Nam Định-Thanh Hóa đã suy yếu dần, từ khoảng 5 giờ sáng 17/8, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; có giải pháp di dân tới nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản nhân dân.

Quyết liệt trong chỉ đạo, ứng phó, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc - nơi tiếp tục có nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian tới," đó là chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới sáng 17/8, tại Hà Nội.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới cần rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức họp giao ban trực tuyến thường xuyên giữa Trung ương và các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương thuộc khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi, bám sát và có các biện pháp chủ động trước tình hình mưa lũ; chú trọng việc bố trí lực lượng, thực hiện nghiêm việc trực, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn.

[9 giờ ngày 17/8, đóng 1 cửa xả đáy hồ Thủy điện Hòa Bình]

Đối với những vùng thấp, trũng (đặc biệt là huyện Chương Mỹ-Hà Nội, nơi được dự báo là có lượng mưa sắp tới khoảng 200-300mm) cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để có giải pháp chống tràn, bảo vệ đê và an toàn tính mạng, tài sản của người dân; sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng điều kiện bị ảnh hưởng.

Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, các khu vực phía Tây Thanh Hóa và Bắc Nghệ An - nơi được cảnh báo là có lượng mưa đặc biệt lớn (trung bình 200-300mm, có nơi lên đến 400-500mm) cần theo dõi chặt chẽ và chủ động trong ứng phó khi mưa lớn diện rộng có thể xảy ra.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cung cấp nhanh, kịp thời, sát thực tế các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền ứng phó với áp thấp.

Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác ứng phó với thiên tai.

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 8 giờ ngày 17/8, không có tàu, thuyền nào hoạt động ở khu vực nguy hiểm và không có sự cố tàu, thuyền trên biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản và chính quyền các địa phương tổ chức kêu gọi các tàu thuyền về nơi an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục