Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai khắc phục hậu quả do bão số 9

Các địa phương Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai đang thống kê thiệt hại, lựa chọn những mục tiêu cần ưu tiên khắc phục để nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường.​
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra tình trạng sạt lở bờ biển ở Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Nhằm khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra, các địa phương Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai đang thống kê thiệt hại, lựa chọn những mục tiêu cần ưu tiên khắc phục để nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bình Định: Ưu tiên khắc phục thiệt hại tại các trường học, cơ sở y tế, nhà ở...

Ngày 29/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Định về việc khắc phục hậu quả bão số 9.

Báo cáo nhanh với Đoàn công tác về tình hình thiệt và công tác khắc phục hậu quả bão số 9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, bão số 9 đã làm 5 người bị thương; 40 ngôi nhà bị sập; gần 3.000 ngôi nhà bị tốc mái; 2.687 ha hoa màu bị hư hỏng; 6 tàu cá bị chìm, 26 ngư dân mất tích; nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở; kè bờ biển Tam Quan sạt lở 1,6 km; nhiều trường học, trạm y tế bị hư hỏng, tốc mái, sập tường rào.

Lũ cuốn trôi 1 canô; gió bão đã gây ra 122 sự cố lưới điện, 114 xã, phường trong toàn tỉnh mất điện... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 394 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hồ Quốc Dũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh tìm kiếm các ngư dân bị mất tích trên biển; bố trí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ Bình Định đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại các cảng cá Tam Quan, Đề Gi và Quy Nhơn.

[Bão số 9: Các địa phương nỗ lực sửa chữa sự cố điện, đường giao thông]

Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ, bố trí vốn để nâng cấp 26 hồ chứa nước xung yếu đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời nâng cấp tuyến kè biển Tam Quan bị sạt lở nghiêm trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác ứng phó với diễn biến của cơn bão số 9 của tỉnh Bình Định, nhất là làm tốt công tác di dời người dân ở vùng xung yếu, nguy hiểm lên trú ẩn an toàn, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.

Đối với việc hỗ trợ tìm kiếm các ngư dân bị mất tích trên biển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đang huy động lực lượng, phương tiện hiện đại nhất, bao gồm các tàu kiểm ngư và máy bay để tìm kiếm các ngư dân bị mất tích.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kiến nghị bố trí các nguồn vốn trung hạn để cùng với tỉnh Bình Định nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và hệ thống đê sông, đê biển cùng các công trình hồ chứa xung yếu. 

Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tỉnh Bình Định phải tập trung huy động mọi nguồn lực, giúp người dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống; không để người dân nào bị thiếu đói, đồng thời ưu tiên khắc phục thiệt hại tại các trường học, cơ sở y tế.

Ông Cường cho rằng thời tiết đang diễn biến phức tạp, sẽ có thêm nhiều cơn áp thấp nhiệt đới và bão lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, trong đó có Bình Định. Do đó, Bình Định cần tiếp tục duy trì các phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Cùng ngày, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc đã chia sẻ, động viên và tặng quà cho các hộ gia đình của các ngư dân ở thị xã Hoài Nhơn bị chìm tàu do bão số 9.

Đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra thực tế khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở cảng cá Tam Quan, phường Tam Quan Bắc và tình hình thiệt hại tại kè chống sạt lở bờ biển Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn.

Hà Tĩnh: Các lực lượng hỗ trợ người dân lợp mái, dựng lại nhà...

 Từ ngày 28 đến 29/10, do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 9, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, mưa to kèm theo lốc xoáy, gây sạt lở đất đã làm hàng chục nhà dân tại các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ bị tốc mái, đổ sập và làm đứt hệ thống dây điện cao thế, đoạn qua thôn Liên Tân, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, ước tính trên 5.000 khách hàng bị mất điện tại các huyện Hương Sơn, Kỳ Anh, Hương Khê, Hồng Lĩnh và Đức Thọ.

Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai khắc phục hậu quả do bão số 9 ảnh 1Công ty Điện lực thành phố Hà Tĩnh khắc phục sự cố điện ở phường Trần Phú. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Cùng với đó, hàng trăm mét tường rào của nhiều công trình dân sinh, trường học... cũng bị đổ sập và hư hỏng nặng. Một số tuyến giao thông quan trọng như tuyến Quốc lộ 8A, đoạn qua huyện Hương Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, gây tắc đường. 

Tại huyện Hương Khê, mưa lớn xảy ra gây ngập cục bộ ở một số khu vực như Cầu Tràn đường vào bản Rào Tre (xã Hương Liên) bị ngập sâu hơn 1m; cầu Tòa Sen (xã Hương Lâm) bị ngập sâu 0,5m.

Tại huyện Vũ Quang, đoạn qua Cầu Khe Khum (xã Hương Quang) bị ngập sâu hơn 1m nên giao thông tại tuyến này đang bị chia cắt. Mưa lũ cũng làm cô lập 259 hộ/863 khẩu tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh.

Tính đến 17 giờ chiều 29/10, tại Hà Tĩnh có mưa to kèm lốc xoáy, tuy không thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn. 

Ngay trong chiều 29/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng lốc xoáy và chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, dân quân tự vệ giúp dân lợp lại mái nhà, di dời tài sản và tiếp tục rà soát sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Quảng Ngãi: Huy động tổng lực khẩn trương giúp người dân ổn định cuộc sống

Ngày 29/10, các địa phương tại Quảng Ngãi đang tập trung khắc phục thiệt hại sau bão số 9. Việc sửa chữa trường học, cơ sở y tế và thông các tuyến giao thông bị tắc nghẽn do cây đổ được ưu tiên hàng đầu.

Tại huyện đảo Lý Sơn, có khoảng 1.000 ngôi nhà, trụ sở cơ quan nhà nước bị tốc mái, sập; 10 thuyền nhỏ, canô du lịch bị sóng biển đánh chìm; hàng ngàn cây xanh bị gió quật ngã đổ, bật gốc. Ngay sau khi bão đi qua, các lực lượng trên đảo đã giúp dân sửa chữa lại nhà cửa; dọn dẹp cây đổ.

Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai khắc phục hậu quả do bão số 9 ảnh 2 Nhiều cây cổ thụ tại TP. Quảng Ngãi bị bão quật đổ. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 85 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Gần 200 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn. Hàng trăm công trình, trụ sở bị hư hại. Nhiều tuyến đường giao thông bị tắc nghẽn do sạt lở, cây cối ngã đổ.

Bão và mưa lớn đã khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Hiện các địa phương đang tập trung khắc phục các điểm trường hư hỏng, cơ sở y tế và đường giao thông, sớm ổn định  đời sống của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng. Những nhà chưa kịp sửa chữa, khắc phục, chính quyền địa phương phải để người dân ở lại tại các điểm sơ tán an toàn và có điều kiện sinh hoạt tốt nhất.

"Qua kiểm tra cho thấy có nhiều trường học hư hỏng nặng, tốc mái hoàn toàn, nên việc cho học sinh quay lại học tập sẽ tùy thuộc vào từng địa phương. Chúng tôi cũng đã huy động các lực lượng chức năng hỗ trợ các trường khắc phục hư hỏng, dọn vệ sinh. Cơ quan, đơn vị nào gặp khó khăn trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ, phải báo ngay với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để có giải pháp hỗ trợ, xử lý," bà Bùi Thị Quỳnh Vân thông tin.

Gia Lai: Đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường sau bão

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường sau bão số 9 vào ngày 30/10, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã huy động nhân lực khẩn trương khắc phục các thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra, đặc biệt là các điểm trường vùng sâu, vùng xa bị hư hỏng nặng.

Điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sró (xã Sró, huyện Kông Chro) tan hoang sau khi cơn bão số 9 đi qua. 6 căn phòng thuộc khu nhà ở của giáo viên bị tốc mái hoàn toàn. Hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường cũng bị cơn bão quần nát. Để đảm bảo an toàn đón học sinh trở lại trường, ngay trong ngày 29/10, thầy cô giáo cũng các lực lượng như Công an huyện, đoàn viên, thanh niên của xã đã tích cực tổng dọn vệ sinh.

Thầy Nguyễn Văn Đát - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sró cho biết đến trưa 29/10, trường đã cơ bản hoàn tất việc khắc phục hậu quả bão số 9, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học tập ngày 30/10. Nhà trường cũng đã bố trí chỗ ở tạm thời cho 7 giáo viên tại phòng bán trú của học sinh và nhà dân.

Tại thị xã An Khê, bão số 9 cũng đã “thổi” bay mái 4 phòng học, làm sập 30 m tường rào trước cổng, gây hư hỏng 2 ti vi và khoảng 60% trang thiết bị, bàn ghế trong 4 phòng học của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp (xã Thành An).

Cơn bão đi qua đã cuốn theo toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (xã Xuân An) với dãy nhà cấp 4 và 5 phòng học bị hư hỏng hoàn toàn; toàn bộ trang thiết bị của thư viện bị hư hỏng.

Ngành Giáo dục huyện Kbang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 9. Nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tại huyện này bị cơn bão phá hủy. Điểm Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Tơ Tung, huyện Kbang) bị tốc mái Phòng Y tế, Phòng Công vụ, sập mái vòm nhà để xe của học sinh, hư hỏng hệ thống điện, gãy 15 bộ bàn ghế… Dù chịu thiệt hại nặng, nhưng hầu hết các điểm trường trên đã sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang Lê Thanh Hải cho biết đối với các điểm trường bị hư hỏng nặng, không đủ điều kiện để tổ chức dạy và học, để đảm bảo an toàn cho học sinh, phòng  giáo dục đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí các lớp học “dã chiến” tại nhà văn hóa xã, thôn, làng. Đảm bảo tối đa các điều kiện an toàn cho học sinh và sự an tâm cho phụ huynh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục