Bình Dương xuất siêu 8 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương trong 10 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 9,5%, nhập khẩu đạt 21 tỷ USD; qua đó duy trì thặng dư thương mại 8 tỷ USD.
Bình Dương xuất siêu 8 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022 ảnh 1Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP II Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Chiều 1/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2022.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, lũy kế 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ; thương mại-dịch vụ ước đạt 224.175 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ.

[Bình Dương đặt mục tiêu giải ngân hơn 80% vốn đầu tư công]

Đáng chú ý, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn duy trì ổn định; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trong 10 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 9,5%. Về nhập khẩu đạt 21 tỷ USD; qua đó duy trì thặng dư thương mại 8 tỷ USD.

Đặc biệt, trong 10 tháng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 55.200 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ, đạt 92% dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Cùng với đó, tính đến ngày 15/10, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 3.692 tỷ đồng, đạt 41,4% kế hoạch năm 2022 Hội đồng Nhân dân tỉnh giao (cùng kỳ đạt 32,5% kế hoạch).

Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết trong 10 tháng qua, chính quyền tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh; phòng chống dịch COVID-19 và phòng, chống dịch sốt xuất huyết; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.

Tính chung cả 10 tháng; chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung phát triển đô thị còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp; xảy ra một số vụ khiếu nại tập trung đông người; tai nạn giao thông tăng ở tiêu chí số vụ và số người chết.

Trong những tháng cuối năm tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng; tiếp tục theo dõi tình hình dữ trữ và cung ứng xăng dầu.

Hơn nữa, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da dày; điều hành thu-chi ngân sách nhà nước 2022 theo dự toán, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định dự toán các gói thầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị; phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thanh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022; tập trung chú trọng vào phát huy các cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục