Bình Phước xuất siêu hơn 400 triệu USD trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt gần 13.500 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ nằm ngoái
Bình Phước xuất siêu hơn 400 triệu USD trong 6 tháng đầu năm ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn đạt 1,73 tỷ USD, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 56% kế hoạch năm.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,31 tỷ USD, tăng 133% so với cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch năm. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, Bình Phước xuất siêu hơn 400 triệu USD.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến thị trường, công tác vận chuyển hàng hoá, hoạt động giao thương trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, do doanh nghiệp đã thích nghi hơn trong bối cảnh dịch bệnh; chủ động tiếp cận được nguồn nguyên liệu, khai thác được các thị trường mới.

Mặt khác, các đơn hàng đã được ký kết trước Tết Nguyên đán 2021, do đó kim ngạch xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng mạnh so với cùng kỳ.

[Dịch COVID-19 phức tạp, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng cao]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho hay trong 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đạt gần 13.500 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Phước như hạt điều, hồ tiêu, cao su đều ghi nhận mức tăng khá; trong đó, sản lượng hạt điều đạt 199.500 tấn, tăng gần 10.500 tấn; sản lượng hồ tiêu đạt 29.700 tấn, tăng 1.500 tấn; sản lượng cao su đạt 118.000 tấn, tăng gần 4.200 tấn.

Bên cạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Phước trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 17% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 18%. Các sản phẩm như sản xuất quần áo tăng gần 15%; chế biến hạt điều tăng 27,4%.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, để tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép,” tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; tập trung tháo gỡ khó khăn và kịp thời giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục