Các khu công nghiệp ở Bình Dương lấy lại đà tăng tốc sản xuất

Tại Bình Dương hiện có 2.432 doanh nghiệp, trong đó có 608 doanh nghiệp trong nước và 1.824 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Các khu công nghiệp ở Bình Dương lấy lại đà tăng tốc sản xuất ảnh 1Hoạt động sản xuất đầu năm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 18/2, tỉnh Bình Dương trở thành “vùng xanh," dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát, tạo điều kiện tốt cho tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng tốc sản xuất.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, nhờ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các khu công nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Sản xuất lấy lại đà

Tại Bình Dương hiện có 2.432 doanh nghiệp, trong đó  có 608 doanh nghiệp trong nước và 1.824 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

Hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhanh chóng ổn định nhờ nguồn lao động đến nhà máy làm việc đạt khoảng 91%. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, các doanh nghiệp tự tin khai trương sản xuất đúng cam kết.

Công ty Shyang Hung Chen chuyên về gia sản xuất giày da xuất khẩu đã đón gần 8.000 công nhân trở lại đúng hẹn, đạt trên 90%. Đó là tín hiệu tích cực không như lo lắng của các doanh nghiệp về thị trường lao động sau kỳ nghỉ Tết, qua đó giúp doanh nghiệp sớm trở lại quỹ đạo sản xuất bình thường.

Ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Shyanghun Cheng cho biết lao động trở lại nhà máy là hơn 90%. Một số người về quê chưa kịp quay lại những quân số sẽ sớm đạt 100% trong những ngày tới.

Tính đến ngày 18/2, hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Bình Dương trở lại hoạt động sau khi lao động góp mặt đông đủ. Số ít nhà máy thiếu hụt lao động là do đang trong kỳ nghỉ phép năm và đang trên đường trở lại nhà máy.

[Bình Dương 25 năm tái lập: Từ tỉnh nghèo thành vùng kinh tế trọng điểm]

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết sau Tết, các doanh nghiệp đã tiếp nhận trên 80% công nhân trở lại làm việc ngay ngày đầu năm mới. Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi năm nào cũng phải đối mặt nỗi lo không đủ lao động dịp đầu năm. Điều này cũng chứng tỏ kinh tế của Bình Dương đang lấy lại nhịp phát triển sau khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát.

Những tín hiệu lạc quan mới

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng năm vừa qua, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng vào các khu công nghiệp vẫn đạt 5.698 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài xấp xỉ 2 tỷ USD và 3.587 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân hơn 2 tỷ USD. Sản xuất và kinh doanh của các doanh đạt doanh thu đạt 35,1 tỷ USD, góp phần xuất khẩu vượt 20 tỷ USD.

Hiện các khu công nghiệp trong tỉnh đang tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để thích ứng an toàn, linh hoạt, nhanh chóng khôi phục sản xuất, từ đó  góp phần phát triển kinh tế-xã hội chung cho mục tiêu tăng trưởng mới của tỉnh trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện doanh nghiệp trong hệ thống “thủ phủ” đồ gỗ ở Bình Dương đã cơ bản thích nghi với tình hình mới và điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, kinh doanh để mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu.

Bức tranh sản xuất ngành gỗ đã có thêm nhiều điểm sáng khi số lượng doanh nghiệp phục hồi tăng nhanh, chỉ số xuất khẩu khá cao trong tháng 1/2022. Nhiều doanh nghiệp gia tăng giao dịch bán hàng bằng thương mại điện tử để tăng đơn hàng xuất khẩu trong năm mới. Năm 2002, ngành chế biến đồ gỗ Bình Dương dự báo đạt doanh số xuất khẩu vượt mốc 15,6 tỷ USD.

Các khu công nghiệp ở Bình Dương lấy lại đà tăng tốc sản xuất ảnh 2Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Trong khi đó, theo ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, ngay từ đầu năm 2022, doanh nghiệp đã đạt mức tăng trưởng cao tại thị trường Bình Dương do tiêu thụ trong dịp Tết tăng mạnh. Do đó, doanh nghiệp muốn tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới và đánh giá cao triển vọng, tiềm năng tại Bình Dương.

Doanh nghiệp cam kết đầu tư lâu dài và cùng Bình Dương phát triển ngành thương mại dịch vụ xứng tầm với một địa phương đang phát triển công nghiệp năng động.

Những thuận lợi ngay từ đầu năm đang tạo sự lạc quan về kế hoạch thực hiện các mục tiêu trong năm 2022 của tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) trong năm nay là từ 8-8,3% so với năm 2021; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 16%; huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33,3% GRDP của tỉnh năm 2022 và tăng 10% so với năm 2021.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) kỳ vọng tăng 8,9% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế tiếp tục lấy công nghiệp-dịch vụ làm chủ đạo với tỷ trọng tương ứng các ngành công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lần lượt là 67,41%-21,87%-3,05%-7,67%; GRDP bình quân đầu người đạt 169,8 triệu đồng/năm.

Tỉnh sẽ chú trọng phát huy hiệu quả các nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài, nhất là dòng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10% so với năm 2021, chiếm 33,3% GRDP năm 2022; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục