Cần sớm có chính sách gỡ khó cho ngành đường sắt vì dịch COVID-19

Ngành đường sắt đang gặp nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và các khoản chi phí lãi vay lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cần có sự hỗ trợ để vượt qua giai đoạn này.
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại một nhà ga. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có gửi văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cơ chế chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh lĩnh vực vận tải đường sắt.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ cuối năm 2019 đến nay hoạt động vận tải đường sắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm, sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Cụ thể, dịch COVID-19 bùng phát vào cao điểm Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5 nên doanh thu vận tải sáu tháng năm 2021 chỉ đạt 77,8% so cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu, chỉ bằng 54,4% so với năm 2019 khi chưa có dịch.

Hiện, ngành đường sắt vừa có thông báo tiếp tục tạm dừng đón, trả khách tàu khách Bắc-Nam tại nhiều ga trên tuyến.

Theo đó, tàu khách tiếp tục tạm dừng không đón, trả khách tại ga Sài Gòn đến khi có thông báo mới; không đón hành khách đi từ ga Dĩ An (Bình Dương) đến các ga; không đón, trả khách tại các ga Biên Hòa, Long Khánh (Đồng Nai) đến hết ngày 1/8; không đón, trả khách tại các ga Ninh Hòa (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên) kể từ ngày 1/8 đến ngày 10/8/2021. Từ ngày 25/7, tạm dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội cho đến khi có thông báo mới.

Trên toàn mạng lưới, ngành đường sắt chỉ chạy hàng ngày duy nhất đôi tàu khách Thống nhất SE7/SE8 trên tuyến Bắc-Nam.

Phía VNR đã có kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì COVID -19, trong đó xin vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của đơn vị.

[Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ đồng để tránh dừng hoạt động]

Để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải đường sắt, năm 2020 VNR và các Công ty vận tải đã có văn bản đề xuất gửi các ngân hàng. Đến nay, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của một số ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay 101 tỷ đồng.

“Chi phí lãi vay là khoản có tỷ trọng cao trong giá thành. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, khoản lãi vay trở thành một gánh nặng do mất dòng tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay sâu hơn trong thời gian tới,” lãnh đạo Cục Đường sắt kiến nghị.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo. Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước.

Bên cạnh đó, Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại VNR và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để đơn vị này có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục