Cần Thơ hợp tác với Hàn Quốc xây dựng mô hình thành phố thông minh

Trong năm 2017, Nhóm dự án Hàn Quốc sẽ phối hợp với chính quyền thành phố triển khai ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết, thiên tai tại các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Cần Thơ hợp tác với Hàn Quốc xây dựng mô hình thành phố thông minh ảnh 1Một góc thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 10/2, tại thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành đã tiếp Đoàn các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu dự án hợp tác xây dựng mô hình thành phố thông minh giữa Cần Thơ và Hàn Quốc, đã được ký vào năm 2015.

Tại buổi tiếp, ông Lee Beom Jae - Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Đại học Ajou (Hàn Quốc), đại diện Nhóm dự án thành phố thông minh làm trưởng đoàn, cho biết hiện nay trên thế giới, thành phố thông minh là công cụ tối ưu nhất để phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia. Theo đó, một mô hình thành phố thông minh kiểu mẫu phải thỏa mãn được ba tiêu chí cơ bản là tối đa hóa khả năng tiếp cận; sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với doanh nghiệp.

Riêng trong dự án hợp tác với Cần Thơ, nhóm thực hiện dự án từ Hàn Quốc đã đề xuất mở rộng thêm việc ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào các ngành nông nghiệp, sản xuất, các nhóm ngành dịch vụ và cả công tác quản lý hành chính của thành phố; trong đó tập trung vào ba nội dung lớn gồm chính phủ thông minh (bao gồm dịch vụ công thông minh, quản lý thảm họa thông minh, ngăn ngừa tội phạm thông minh, giao thông thông minh…); kinh doanh thông minh (nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, kinh doanh thông minh, vận tải thông minh…) và sống thông minh (mua sắm thông minh, dịch vụ giáo dục thông minh, nghỉ dưỡng thông minh, môi trường thông minh, giải trí thông minh…).

Trước mắt, trong năm 2017, Nhóm dự án Hàn Quốc sẽ phối hợp với chính quyền thành phố triển khai ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết, thiên tai tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, giúp ngành nông nghiệp thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị nông sản của Cần Thơ.

Dự kiến, phần mềm sẽ được thử nghiệm tại khu vực Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại Khu Công nghiệp Trà Nóc II, quận Ô Môn trước khi áp dụng rộng rãi ra các khu nông nghiệp trên toàn thành phố. Toàn bộ chi phí dự án sẽ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Bên cạnh đó, Nhóm dự án cũng sẽ hỗ trợ Cần Thơ xây dựng và lắp đặt hệ thống kỹ thuật quản lý và giám sát giao thông thông minh. Theo đó, mọi phương tiện tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố sẽ được kiểm soát bằng các camera tự động, mọi lỗi vi phạm sẽ được gửi về trung tâm quản lý tích hợp. Các tài xế cũng sẽ được hỗ trợ kết nối an toàn tối đa bằng các công cụ hiện đại như mạng truyền thông công cộng miễn phí chất lượng cao, tính bảo mật tốt; camera giảm thiểu “vùng mù” của xe và thiết bị hi-pass giúp xe không phải dừng lại khi qua trạm thu phí. Hệ thống này giúp giảm số lượng cảnh sát điều phối giao thông cũng như phải trực tiếp tham gia các trường hợp nguy hiểm, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông.

Quan trọng nhất chính là đề án xây dựng khu phức hợp công nghiệp, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trung tâm công nghệ và dân cư với diện tích khoảng 500ha và sử dụng 100% năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió và những nguồn năng lượng xanh, sạch khác. Đề án nhằm cắt giảm và thay thế dần nguồn năng lượng từ than và khoáng sản trong chế tạo máy móc và các thiết bị hiện diện ở các mặt trong đời sống để giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần chung tay trong vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 với tổng kinh phí thực hiện khoảng 2,2 triệu USD được cung ứng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc và nguồn vốn trực tiếp từ các doanh nghiệp Hàn Quốc và quốc tế.

Theo ông Lee Beom Jae, nếu mô hình “thị trấn xanh” này được vận hành hiệu quả thì nhóm dự án sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền Cần Thơ nhân rộng thực hiện ra toàn thành phố, đưa Cần Thơ trở thành nơi phát triển công nghiệp xanh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Qua đó, ông Lee Beom Jae cũng nhấn mạnh rằng phía Chính phủ Hàn Quốc sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, hợp tác với thành phố nhiều hơn nữa.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết thời gian qua, Cần Thơ đã liên tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa hoạt động hành chính của thành phố. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của Cần Thơ cũng có những tiến bộ rõ qua các năm; nếu như năm 2013 đứng thứ 12 thì đến năm 2016 đứng thứ 5/63 tỉnh, thành. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh của thành phố cũng ở mức khá so với các tỉnh, thành; đứng thứ 15 năm 2016.

Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tại Cần Thơ cơ bản đã đồng bộ theo mô hình tập trung; các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản được cung cấp đầy đủ, ổn định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành từng bước được mở rộng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp có kết quả tích cực . Do đó, đối với dự án hợp tác về xây dựng mô hình thành phố thông minh, Cần Thơ hoàn toàn tự tin sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn do phía Hàn Quốc yêu cầu.

Ông Trương Quang Hoài Nam cũng cho biết thêm, trong dự án hợp tác lần này, các doanh nghiệp sẽ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ hàng đầu. Theo đó, công tác hỗ trợ sẽ được thực hiện đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến các chính sách, thủ tục pháp lý, cung cấp các mô hình hợp tác đa quốc gia hiệu quả với chi phí thấp nhất. Chính quyền Cần Thơ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai hiệu quả, bám sát vào những quy hoạch về định hướng phát triển của thành phố đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 để nâng tầm vị thế phát triển của thành phố không chỉ trong nước mà còn trong khu vực ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục