Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc phát triển cây mắcca, ngày 8/4, Công ty Cổ phần Him Lam đã có cuộc họp với Ban chỉ đạo dự án mắcca tại tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Him Lam khẳng định, dự án mắcca của Him Lam chỉ khuyến khích người dân trồng xen và trồng trên loại đất phù hợp, không khuyến khích người dân phá vỡ cây trồng đang sinh trưởng tốt để trồng mắcca.
Bên cạnh đó, Him Lam cam kết tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân cũng như bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, người trồng mắcca sẽ được bảo hiểm 100% (công ty bảo hiểm do Him Lam làm cổ đông chủ chốt) nếu làm theo đúng dự án.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Him Lam cho biết nếu địa phương nào ở Tây Nguyên còn do dự, chưa sẵn sàng triển khai và có quỹ đất phù hợp, Him Lam sẵn sàng đầu tư trồng 10.000 ha nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã xây dựng đề án dành từ 20.000-22.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi các hộ gia đình và doanh nghiệp với vốn tín dụng trung dài hạn trong 7 năm và ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu. Trong 3 năm tiếp theo khi mắcca bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ bắt đầu trả dần cả gốc và lãi. Cụ thể, lãi vay sẽ được nhập vào dư nợ gốc và gốc vay được trả theo tỷ lệ tăng dần từ năm thứ 5 đến năm thứ 7.
Mục tiêu của Him Lam từ giờ đến cuối năm 2015 là hoàn thành việc lập Hiệp hội mắcca Tây Nguyên, viện nghiên cứu mắcca, cũng như tiến hành xây dựng nhà máy chế biến mắcca để phục vụ mục đích phát triển mắcca lâu dài và bền vững.
Được biết, tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý sẽ quy hoạch vùng trồng mắcca, trước mắt dự kiến quy hoạch 22.025 ha giai đoạn 2015-2020, trên cơ sở tái canh một số cây trồng đã già cỗi, hiệu quả kinh tế kém. Trong đó, trồng xen là 20.530 ha (chiếm 93% tổng diện tích), trồng thuần là 1.470 ha (chiếm 6% tổng diện tích) và 25ha là để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống (chiếm 1% tổng diện tích).
Mục đích của việc tập trung chủ yếu trồng xen là không phá vỡ cơ cấu các cây trồng chiến lược tại địa phương và để tăng giá trị thu nhập trên một diện tích.
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ kết hợp chặt chẽ trong việc cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế cho các hộ nông dân đồng thời kiểm soát chất lượng giống tại các cơ sở, đảm bảo không thiệt hại cho bà con nông dân về sau./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu