Chia sẻ cẩm nang đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Truyền thông, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục về phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần quan trọng thay đổi thái độ, hành vi trong cộng đồng.
Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay 16/12, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái."

Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề "bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" (VAWG) thông qua các phương tiện truyền thông; hướng dẫn cho các chuyên gia truyền thông về cách báo cáo các vấn đề về VAWG; tìm cách thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các phương tiện truyền thông bằng cách thu hút sự tham gia của các cơ quan Chính phủ và các cơ quan truyền thông quốc gia quan trọng nhất của Việt Nam như VOV, Đài Truyền hình Việt nam (VTV), Thông tấn xã Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc VOV bày tỏ sự tin tưởng tọa đàm sẽ là cơ hội giúp các phóng viên thu nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để hạn chế những sai sót xảy ra trong quá trình tác nghiệp về các chủ đề nhạy cảm như: Xâm hại tình dục, bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bảo vệ người yếu thế trong xã hội...

“Buổi tọa đàm này cũng là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên trao đổi kinh nghiệm làm nghề, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thực tế, từ đó rút ra những bài học giúp nâng cao kỹ năng đưa tin, viết bài về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái,” ông Ngô Minh Hiển nói.

Chia sẻ kinh nghiệm tại buổi tọa đàm, nhà báo Hoàng Như Hoa, Phó Trưởng ban Ban biên tập tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết khi biên tập, hiệu đính, hiệu chỉnh thông tin liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái cần tránh những thông tin khiến các nạn nhân bị tổn thương thêm một lần nữa, đảm bảo các thông tin cá nhân của người bị hại được ẩn danh…

“Khi khai thác thông tin vụ việc tránh khai thác đi sâu chi tiết bất lợi cho nạn nhân để giật gân, câu view, bài viết không chỉ phản ánh đơn thuần mà phải chỉ rõ đích danh các hành vi vi phạm pháp luật, ý kiến của các cơ quan chức năng, đặc biệt không biến nạn nhân trở thành công cụ truy tìm của cộng đồng mạng. Nhà báo viết bài cần xuất phát từ sự động viên, chia sẻ, cải thiện tình hình cuộc sống của nạn nhân chứ không phải vì tính chất thương mại hay bất cứ động cơ nào khác,” nhà báo Hoàng Như Hoa nói.

Chia sẻ cẩm nang đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ảnh 1Bìa cuốn cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo, UNESCO đã giới thiệu tới các nhà báo, phóng viên phiên bản tiếng Việt của cuốn "Cẩm nang đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái" do UNESCO xuất bản. Đây là một nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ thiết thực dành cho các nhà báo, phóng viên, chuyên gia, giảng viên và sinh viên báo chí truyền thông trên toàn thế giới khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.

Cuốn cẩm nang gồm hai chương, cung cấp thông tin chi tiết về 10 chủ đề cụ thể liên quan tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đưa ra các khuyến nghị liên quan tới đạo đức nghề báo khi đưa tin về bạo lực giới.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục về phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái,  góp phần quan trọng thay đổi thái độ, hành vi trong cộng đồng. Đặc biệt là khi bạo lực với phụ nữ đã tăng nhanh chóng trong đại dịch COVID-19.

Ông Christian Manhart hy vọng truyền thông ở bất kỳ loại hình báo chí nào đều biết cách đưa tin bài và xây dựng nội dung tin bài một cách hợp lý, nhằm góp phần phòng chống tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái./.

VOV phối hợp cùng với UNESCO Việt Nam tổ chức cuộc thi dành cho báo chí nhằm nâng cao kiến thức “Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái." Cuộc thi dành cho các phóng viên, nhà báo, phóng viên ảnh, biên tập viên... đang công tác tại các cơ quan báo chí của Việt Nam như đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử, báo in... 

Người tham gia cuộc thi có thể truy cập vào đường link https://bit.ly/3dxTKeY để dự thi và tìm hiểu, nâng cao kiến thức về cách đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Cuộc thi nhận bài dự thi đến hết ngày 27/12. Ban tổ chức cuộc thi sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 9 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 7 triệu đồng và 1 giải Ba trị giá 5 triệu đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục