Chính phủ Đức đau đầu tìm lời giải bài toán khủng hoảng nhập cư

Chiến tranh, nghèo đói và thiên tai đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương. Họ chủ yếu quyết định cho mình đích đến là châu Âu, trong đó Đức là một trong những điểm đến lý tưởng.
Chính phủ Đức đau đầu tìm lời giải bài toán khủng hoảng nhập cư ảnh 1Người di cư tại đảo Lesbos, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chiến tranh, nghèo đói và thiên tai đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ quê hương. ​Họ chủ yếu quyết định cho mình đích đến là châu Âu, trong đó Đức là một trong những điểm đến lý tưởng.

Thực trạng này đã đẩy không những Đức mà còn nhiều nước châu Âu khác vào cảnh quá tải, cả về tài chính lẫn nhân lực, để giải quyết bài toán khủng hoảng nhập cư.

Các cơ sở tiếp nhận quá tải

Trong năm 2014, có trên 170.000 người lần đầu tiên nộp đơn xin tị nạn ở Đức, tăng khoảng 60% so với năm 2013, trong đó có khoảng 40.000 người đến từ Syria. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Liên bang Đức, trong năm nay, số đơn nộp xin tị nạn có thể sẽ vượt mức 450.000 đơn, thậm chí nhiều bang còn dự đoán con số có thể lên tới 600.000 đơn.

Số người tị nạn tới các thành phố ở Đức ngày càng tăng, kéo theo chi phí và nhân lực để giải quyết các vấn đề liên quan tới người tị nạn cũng tăng lên. Mức chi phí cho vấn đề tị nạn đã vượt quá 200% khiến nhiều địa phương hết sức lo ngại và kêu gọi liên bang cũng như các bang nhanh chóng vào cuộc.

Tình trạng căng thẳng này hiện đang xảy ra tại các địa phương trên khắp nước Đức, bởi chi phí cho vấn đề ăn ở cho một lượng lớn người tị nạn như vậy là không nhỏ.

Tại thành phố Dresden (bang Sachsen), chi phí cho người tị nạn ở mức 15,6 triệu euro trong năm 2014 nay đã tăng lên 47 triệu euro, trong đó 1/3 số tiền là để xây mới các cơ sở ăn ở cho người tị nạn.

Tại thành phố Hannover (bang Niedersachsen), mức chi phí cũng tăng từ 16,7 triệu euro lên 47,2 triệu euro. Trong khi tại thành phố Munich, tính riêng từ tháng 1-7/2015, thủ phủ bang Bayern này đã đã phải chi 97,2 triệu euro để lo cho người tị nạn.

Tại Đức có một hệ thống tiếp nhận người tị nạn chung và hạn ngạch được chia cho các bang tùy theo nguồn thu thuế và dân số của bang đó. Chẳng hạn như ở Berlin, trong năm 2014 đã phải tiếp nhận hồ sơ tị nạn của 15% tổng số người tới Đức xin tị nạn, trong khi nơi đây chỉ có hạn ngạch tiếp nhận 5%. Do vậy, việc quá tải là không thể tránh khỏi. Chính quyền thành phố Berlin đã không kịp trở tay khi người tị nạn cứ ùn ùn kéo tới.

Hiện chỉ có khoảng 70 lán trại cho người tị nạn, trong khi số người thực tế đã vượt 15.000 người. Rất nhiều người đã phải dựng các lều tạm để qua ngày ở các công viên hoặc ngay bên lề đường. Berlin dự kiến sớm mở thêm 36 cơ sở mới để có thể tạo chỗ ăn nghỉ cho người tị nạn.

Trước tình hình trên, chính phủ Đức dự kiến đầu tháng 9 tới sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về tị nạn, với sự tham gia của đại diện chính quyền liên bang và các bang nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề người tị nạn. Trong đó, giới chức Đức một mặt mạnh tay với những người lạm dụng vấn đề tị nạn để tới nước này, mặt khác cũng bàn cách bổ sung nguồn tài chính và nhân lực cho các địa phương.

Theo quy định, những người lần đầu nộp đơn xin tị nạn sẽ phải ở ngay tại cơ sở tiếp nhận đầu tiên trong 6 tuần hoặc tối đa 3 tháng để nhân viên xử lý hồ sơ có thể gọi khi cần. Trong thời gian này, họ được nhận khoản tiền tối thiểu để sinh sống. Trung bình, thời gian giải quyết xong một hồ sơ hiện đã được rút ngắn xuống còn 5,3 tháng so với 7,1 tháng trong năm 2014.

Do số người tị nạn đến Đức ngày càng tăng, Cục Di trú và Người tị nạn liên bang (BAMF) đã đề ra quy định mới giúp việc xử lý hồ sơ được nhanh chóng hơn, đó là xếp người nộp đơn xin tị nạn theo nhóm nước.

Chẳng hạn những người nộp đơn xin tị nạn đến từ Kosovo thì hồ sơ sẽ được quyết định chỉ trong 2 tuần, bởi thực tế đa số người Kosovo tới Đức không thể xin quy chế tị nạn ở nước này. Những người bị từ chối tị nạn sẽ sớm bị trục xuất khỏi Đức.

Trong nửa đầu năm 2015, có 67.400 người từ Kosovo, Albania và Serbia nộp đơn xin tị nạn ở Đức, song chỉ ít người được chấp thuận. Nguyên nhân là do luật tị nạn đã được sửa đổi và những nước như Serbia, Bosnia & Herzegovina và Macedonia được xếp vào "những nước an toàn," do vậy khó có lý do để cấp quy chế tị nạn cho những người từ các nước này tới Đức.

Trong khi đó, các đơn xin tị nạn của những người đến từ Syria hoặc Iraq sẽ được quyết định nhanh chóng hơn, bởi hầu hết những người đến từ những quốc gia này đều phải chạy lánh nạn do chiến tranh, khủng bố.

Số người nhập cư ở mức cao kỷ lục

Theo thống kê trong năm ngoái, 1/5 số người ở Đức có nguồn gốc là dân nhập cư, tăng 3,7%, lên mức cao kỷ lục gần 11 triệu người. Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, lực lượng này không chỉ bao gồm những người nhập cư mà còn cả những người di cư từ các nước láng giềng sang Đức nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm.

Nếu tính tổng những người có nguồn gốc nước ngoài sinh sống ở Đức thì có tổng cộng 16,4 triệu người trong năm 2014, chiếm 20,3% tổng dân số Đức. Trong khi đó, số lượng người dân Đức, không tính những người có nguồn gốc nhập cư, lại giảm 1,4%.

Chính phủ Đức đau đầu tìm lời giải bài toán khủng hoảng nhập cư ảnh 2Người nhập cư trái phép chờ đợi được đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hầu hết những người di cư đến từ các nước thuộc EU, trong đó nhiều nhất từ Ba Lan (179.000 người), tiếp đến là Rumania (109.000 người) và Italia (55.000 người). Người di cư đến Đức từ các nước ngoài EU nhiều nhất là từ Trung Quốc (38.000 người), Syria (35.000 người) và Ấn Độ (28.000 người).

Việc công bố số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh có những dự báo cho biết số người di cư tới Đức sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Người di cư tới Đức ngày càng nhiều cũng kéo theo số vụ bất ổn tăng lên. Trong sáu tháng đầu năm 2015 đã xảy ra khoảng 150 vụ tấn công nhằm vào các khu vực lán trại của người tị nạn.

Phân chia công bằng người tị nạn ở châu Âu

Từ mô hình phân chia hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn giữa các bang của Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel kêu gọi châu Âu cần có cơ chế phân chia công bằng số người tị nạn theo từng nước. Số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, trong năm 2014, số người tị nạn tới Italia bằng đường biển lên tới trên 170.000 người, song thực tế chỉ có 63.000 đơn xin tị nạn được nộp ở nước này.

Cũng trong năm ngoái, mặc dù chỉ có trên 500 người tị nạn tới Đức bằng đường hàng không, song có tới trên 170.000 đơn xin tị nạn ở Đức.

Theo cơ chế tiếp nhận người tị nạn ở châu Âu, trong trường hợp người tị nạn lần đầu nộp đơn ở một nước, song sau đó lại tìm cách đến một nước thành viên khác (do cùng trong khối Schengen) thì họ có thể bị gửi trở lại nơi đã xin đăng ký tị nạn đầu tiên. Do vậy, nhiều người tị nạn chỉ khi tới được nước đích mới chính thức nộp đơn xin đăng ký tị nạn.

Không chỉ Đức đang phải đối phó với dòng người tị nạn, nhiều nước châu Âu khác cũng đang phai gồng mình giải quyết "cơn thủy triều" này.

Trong số các nước EU, khó khăn nhất hiện nay là Hy Lạp, quốc gia đang phải oằn mình với các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng do khủng hoảng nợ, song cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới, đó là khủng hoảng nhập cư khi người nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông coi đây là cửa ngõ để tìm đường tới các nước giàu có khác trong EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục