Chiều 29/2, trả lời báo giới tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ về các giải pháp của Chính phủ đối phó với tình trạng hạn hán và xâm mặn gay gắt hiện nay, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Định cho biết đây là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt và lâu dài.
Hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Bắc Trung bộ, dự báo Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị sắp tới cũng có thể bị hạn hán vì hiện tượng El Nino kéo dài.
Ông Định cho biết trước tình hình hình trên, từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Chính phủ ghi nhận các giải pháp cấp bách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, tổ chức dự báo khí tượng thủy văn về nguồn nước xâm nhập mặn phục vụ chỉ đạo điều hành.
Để khắc phục và xử lý tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng bản đồ về xâm nhập mặn, phổ biến đến các cơ quan liên quan và người dân để chủ động phòng tránh, khắc phục. Bộ chỉ đạo ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người và gia súc, nước tưới cho diện tích cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nước cho nuôi trồng thủy sản, cho khu công nghiệp, có lộ trình ưu tiên cho từng đối tượng.
Song song với đó, bộ tiến hành các biện pháp căn cơ hơn như đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt, khoan giếng, đào kênh, đặt ống để dẫn nước, dài hạn hơn là điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển dịch mùa vụ một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Định, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tương đối tốt việc điều tiết nước các hồ thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào thời kỳ khô hạn và cân đối bảo đảm nguồn nước cho cả năm 2016, việc xả nước chỉ ở mức độ hạn chế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng bổ sung kinh phí cho 39 tỉnh triển khai ngăn mặn, chống hạn và đề nghị tiếp tục mở rộng đối tượng như đắp đập, đào ao, làm kênh, làm hệ thống cấp nước sinh hoạt. Dự kiến về lâu dài, từ năm 2016-2020 cần khoảng 55.000 tỷ đồng cho việc này.
Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cả hệ thống chính trị phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách cả trước mắt và lâu dài, phải vào cuộc làm tốt các nội dung của Chỉ thị 04/CT-TTg. Ngành Y tế phải lo vấn đề phòng chống dịch bệnh do hạn hán, thiếu nước.
Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh bị thiệt hại, trong lúc Bộ Tài chính chưa kịp cấp, các địa phương chủ động ứng ngân sách giải quyết ngay cho dân, sau đó Bộ Tài chính cấp bù./.