Chính quyền Triều Tiên tuyên bố xây dựng nền kinh tế hùng mạnh

Triều Tiên đã kêu gọi tự lực và độc lập xây dựng kinh tế tại một cuộc mít-tinh được tổ chức ở Bình Nhưỡng ngày 9/9 như một phần trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh nước này.
Chính quyền Triều Tiên tuyên bố xây dựng nền kinh tế hùng mạnh ảnh 1Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Triều Tiên. (Nguồn: Getty Images)

Tại một cuộc míttinh trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 9/9, ban lãnh đạo Triều Tiên đã kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần tự lực và độc lập để xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Bắc Á, tham dự cuộc míttinh tại thủ đô Bình Nhưỡng có nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các nhà ngoại giao nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế. Sự kiện đã được truyền hình tới người dân Triều Tiên.

Trong một báo cáo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam đã điểm lại các dấu mốc lịch sử của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh quốc gia Đông Bắc Á này đã nổi lên như một nhà nước có chủ quyền và hoàn toàn độc lập trên trường quốc tế.

Ông kêu gọi cả dân tộc nỗ lực xây dựng nền kinh tế hùng mạnh và cải thiện cuộc sống của người dân với tinh thần cách mạng tự lực và tăng cường sản xuất.

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên cũng bày tỏ hy vọng mối quan hệ với Hàn Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện.

Ông cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ Triều Tiên trong việc thúc đẩy mối quan hệ liên Triều và việc tái thống nhất hai miền, cũng như thúc đẩy nền hòa bình và sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Lời khẳng định phát triển kinh tế mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài được Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang rơi vào bế tắc.

Washington tuyên bố các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi đáng kể trong việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Đàm phán hạt nhân bị đình trệ đã ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi liên Triều vốn đang tiến triển nhanh do chính quyền Seoul dường như phải chịu sức ép từ đồng minh Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng trọng tâm mới của Triều Tiên về sự tự lực có thể được xem là một chiến thuật nhằm nâng đòn bẩy của nước này trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bằng cách cho thấy rằng Bình Nhưỡng không quá nôn nóng phát triển nền kinh tế thông qua các nhượng bộ mà nước này có thể nhận được để từ bỏ vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục