Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên chiều 28/9, khi những lo ngại về xu hướng tăng lãi suất và triển vọng suy thoái kinh tế tiếp tục khiến giới đầu tư thêm thận trọng.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản nối bước đà giảm của thị trường Phố Wall khi chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 397,89 điểm (tương đương 1,50%) và đóng cửa ở mức 26.173,98 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm và đồng won cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm, khi nỗi lo suy thoái nảy sinh từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn tiếp tục chi phối tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 54,57 điểm (2,45%) và kết thúc ở mức 2.169,29 điểm. Đồng won kết thúc ở mức 1.439,90 won đổi 1 USD, giảm mạnh tới 18,40 won so với mức đóng cửa phiên trước. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 16/3/2009, khi đồng tiền này đóng phiên ở mức 1.444,0 won đổi 1 USD.
Tại thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong giảm hơn 3% do những nỗi lo về triển vọng kém sáng của kinh tế toàn cầu. Chỉ số Hang Seng phiên này giảm 609,43 điểm (3,41%) xuống 17.250,88 điểm với đà giảm do các công ty công nghệ và nhà phát triển bất động sản dẫn đầu. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng mất tới 48,80 điểm (1,58%) xuống 3.045,07 điểm.
Trên các thị trường khác, chứng khoán Taipei và Manila giảm hơn 2%, trong khi Singapore mất hơn 1%. Chứng khoán Sydney, Wellington và Mumbai cũng trong vùng mất điểm.
[Đằng sau đợt bán tháo gần nhất trên thị trường tài chính toàn cầu]
Trước đó, trong phiên 27/9, chứng khoán Phố Wall đã chìm trong sắc đỏ sau khi báo cáo mới nhất cho thấy sự cải thiện bất ngờ trong niềm tin của người tiêu dùng Mỹ doanh số bán nhà tăng vọt.
Các số liệu cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới bất chấp ba đợt tăng lãi suất “mạnh tay” liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khi ngân hàng trung ương này cố gắng kiềm chế lạm phát vẫn quanh mức cao nhất trong bốn thập niên. Hiện thị trường nhận định Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất mạnh nữa vào tháng 11.
Trong tuần này, một số quan chức Fed đã khẳng định lại quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi giá cả được kiểm soát, ngay cả khi phải trả giá bằng suy thoái kinh tế.
Các nhà quan sát hiện đang đặt cược rằng lãi suất tại Mỹ sẽ đạt khoảng 4,75% trong năm tới. Triển vọng của chính sách tiền tệ thắt chặt như vậy đã tác động xấu đến thị trường chứng khoán, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ - một thước đo lãi suất tương lai, lần đầu tiên đạt 4% kể từ năm 2010.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường London, sau khi việc tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố gói ngân sách mới vào tuần trước đã làm dấy lên những “làn sóng lớn” trên các thị trường. Diễn biến đó đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp kỷ lục và dẫn đến những cảnh báo nghiêm trọng đối với nền kinh tế Anh.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, chỉ số VN-Index giảm 22,92 điểm (1,96%) xuống 1.143,62 điểm. HNX-Index cũng để mất 3,17 điểm (1,24%) xuống 252,35 điểm./.