Chứng khoán Mỹ mất chuỗi năm tuần tăng điểm liên tiếp

Bất chấp phiên cuối tuần tăng điểm, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều kết thúc tuần giao dịch dưới mức ghi nhận của ngày thứ Sáu tuần trước, chấm dứt chuỗi năm tuần tăng điểm liên tiếp.
Chứng khoán Mỹ mất chuỗi năm tuần tăng điểm liên tiếp ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ tăng cao hơn trong phiên 12/11, khi giới đầu tư bớt lo ngại về số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ.

Nhưng bất chấp phiên cuối tuần tăng điểm, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đều kết thúc tuần giao dịch dưới mức ghi nhận của ngày thứ Sáu tuần trước, chấm dứt chuỗi năm tuần tăng điểm liên tiếp.

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 36.100,31 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,7% lên 4.682,85 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,0% và đóng cửa ở mức 15.860,96 điểm.

Các nhà đầu tư hôm thứ Tư (10/11) đã tỏ ra hoảng sợ sau khi số liệu chính thức của Mỹ cho thấy lạm phát giá tiêu dùng hàng năm tại nền kinh tế này đạt mức 6,2% - cao nhất trong 30 năm.

Diễn biến đó hoàn toàn có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến để kiềm chế giá cả leo thang. Song giới đầu tư đã nhanh chóng phục hồi sau đó, giúp các chỉ số chính trên Phố Wall lấy lại đà tăng.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan công bố hôm thứ Sáu (12/11) cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm, giữa bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại rằng lạm phát gia tăng đang làm suy yếu sức mua của người dân nước này.

[Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt tăng điểm trong tuần qua]

Nhìn chung, những nỗi lo về lạm phát đã chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong hầu hết tuần qua.

Mở đầu tuần mới, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên 8/11, với động lực tăng trưởng nhờ dự luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD được thông qua và số liệu việc làm khả quan ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Khép lại phiên này, Dow Jones tăng 0,3%, trong khi S&P 500 ghi thêm 0,1% và Nasdaq tăng 0,1%.

Nhưng sang phiên 9/11, Phố Wall dứt chuỗi phiên lập kỷ lục khi những lo ngại về lạm phát trở lại. Chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, S&P 500 sụt mất 0,4% còn Nasdaq Composite để mất 0,6%.

Một số nhà phân tích nhận định sự suy giảm này là mang tính chất kỹ thuật vì thị trường chứng khoán Mỹ đang bị mua vào quá mức. Do đó, một sự điều chỉnh nhẹ là hoàn toàn tự nhiên.

Phiên 10/11, chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc vì nỗi lo sợ lạm phát. Ba chỉ số chính của Phố Wall đều trong vùng âm, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq giảm nhiều nhất ở mức 1,7%, Theo sau đó là chỉ số S&P 500 giảm 0,8% và Dow Jones giảm 0,7% xuống.

Sang phiên 11/11, thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều giữa bối cảnh thị trường trái phiếu và hầu hết các văn phòng chính phủ Mỹ đều đóng cửa nghỉ lễ. Vào cuối phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,5% và S&P 500 tiến 0,1%. Tuy nhiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4%.

Dù đồng loạt tăng trong phiên 12/11, tính chung trên cả tuần, chỉ số Dow Jones vẫn giảm 0,6%, chỉ số S&P 500 lùi 0,3% và chỉ số Nasdaq Composite mất 0,7%.

Tâm lý kém lạc quan của người tiêu dùng có thể khiến các nhà bán lẻ lo lắng khi mùa mua sắm nghỉ lễ đang đến gần.

Song các nhà kinh tế cho rằng tâm lý sẽ phục hồi một khi những khó khăn về nguồn cung toàn cầu được giải quyết và người tiêu dùng ít khả năng thu hẹp lại chi tiêu.

Bà Gargi Chaudhuri, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư iShares của tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock cho biết các số liệu về người tiêu dùng Mỹ khá thất vọng và phản án nỗi lo về lạm phát.

Tuy nhiên, báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao với tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn dự kiến trong quý. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp đã có thể chuyển một số chi phí cao hơn của họ sang cho người tiêu dùng.

Nhìn chung, mùa thu nhập quý thứ ba tỏ ra khá lạc quan cho cả doanh nghiệp lẫn giới đầu tư. Tính đến thứ Sáu, 459 công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 đã báo cáo, trong đó 80% ghi nhận thu nhập vượt qua dự báo thị trường.

Trong tuần tới, giới đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo của các nhà bán lẻ để xác định xem liệu lạm phát có làm giảm tỷ suất lợi nhuận hay không. Walmart Inc, Target Corp, Home Depot Inc và Macy's Inc là những chuỗi bán lẻ nổi tiếng dự kiến sẽ công bố báo cáo vào tuần tới.

Ngoài báo cáo từ doanh nghiệp, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố kết quả bán lẻ tháng 10 vào thứ Ba (16/11 theo giờ địa phương).

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng dồn sự chú ý vào kết quả của cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối thứ Hai (15/11).

Giới chuyên gia hầu hết đều tỏ ra vui mừng trước việc hai bên đã có những cuộc đối thoại. Song đa phần các nhà quan sát không nghĩ sẽ có bất cứ diễn biến lớn nào tại cuộc họp này, trừ khi các bên đưa ra một số thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách thuế quan. Dù vậy, khả năng này không hề cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục