Chứng khoán tại thị trường châu Á phiên 21/2 biến động trái chiều

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm, chỉ số Kospi của Hàn Quốc gần như không thay đổi so với phiên trước đó, trong khi thị trường Thượng Hải và Hong Kong cũng không kém phần ảm đạm.
Chứng khoán tại thị trường châu Á phiên 21/2 biến động trái chiều ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần 21/2, giữa lúc giá dầu “hạ nhiệt," sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm thượng đỉnh để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Hội đàm thượng đỉnh, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sẽ được mở rộng với thành phần tham gia gồm các bên liên quan để thảo luận về "an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu." Thông cáo nhấn mạnh rằng các bước chuẩn bị sẽ bắt đầu giữa Nga và Mỹ vào ngày 24/2 tới.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về lạm phát tại Mỹ, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm và gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tăng lãi suất. Các nhà đầu tư đang suy đoán về việc lộ trình nâng lãi suất của Fed sẽ diễn ra sớm và quyết liệt như thế nào.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 211,20 điểm (0,78%), xuống 26.910,87 điểm, do lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Đà sụt giảm được dẫn dắt bởi các lĩnh vực như sản xuất kim loại, thiết bị điện và giao thông vận tải.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc khép lại phiên này gần như không thay đổi so với phiên trước đó, sau khi "rũ bỏ” gần hết mức giảm mạnh ở đầu phiên nhờ hy vọng về cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine. Đóng cửa, chỉ số Kospi hạ nhẹ 0,72 điểm (0,03%), xuống 2.743,8 điểm.

[Phố Wall chứng kiến tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp]

Tại Trung Quốc, diễn biến tại hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng không kém phần ảm đạm, chi phối bởi các thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chỉ số Hang Seng mất 157,64 điểm (0,65%), xuống 24.170,07 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite giảm không đáng kể 0,15 điểm, xuống 3.490,61 điểm.

Các thị trường chứng khoán Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan cũng đều chìm trong sắc đỏ. Trong khi thị trường Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Singapore và Wellington của New Zealand và Jakarta của Indonesia lại chứng kiến đà tăng nhẹ.

Mặc dù nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng tới, một số quan chức của ngân hàng này vào cuối tuần qua cho biết, họ không ủng hộ mức tăng 50 điểm cơ bản như đã được đề xuất. Triển vọng về lãi suất cao hơn trong năm nay đã đè nặng lên thị trường trong nhiều tháng qua, khiến đợt tăng vốn chủ sở hữu kéo dài gần hai năm kết thúc với việc các nhà bình luận dự đoán sẽ có những biến động tiếp theo.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 21/2, VN-Index tăng 6 điểm lên 1.510,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 792 triệu đơn vị, tương ứng gần 23.421 tỷ đồng. Toàn sàn có 286 mã tăng giá, 150 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,38 điểm lên 440,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 103,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.863,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 158 mã tăng giá, 74 mã giảm giá và 50 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục