Công đoàn và ngành dệt may-da giày nỗ lực chăm lo cho người lao động

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hơn 94% người lao động ngành dệt may, trong đó có 60,6% người lao động ngừng việc, 27,3% làm việc "3 tại chỗ," và 6,3% làm việc luân phiên.
Công đoàn và ngành dệt may-da giày nỗ lực chăm lo cho người lao động ảnh 1Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hơn 94% người lao động ngành dệt may. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 suốt hai năm qua ngành dệt may và ngành da giày Việt Nam phải đối diện với muôn vàn khó khăn.

Hiện nay, hai ngành dệt may-da giày của Việt Nam không thiếu các đơn hàng nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng như da giày, nhất là các cơ sở ở khu vực phía Nam, vẫn phải nói lời từ chối với phía đặt hàng do thiếu lao động, giá nguyên vật liệu, chuyên chở tăng cao cộng với các biện pháp phòng, chống dịch khiến chi phí sản xuất nhảy vọt.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thêu Giày An Phước (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn hoạt động trong thời điểm dịch bệnh bùng phát theo phương án “3 tại chỗ” với mục tiêu giữ bằng được các đơn hàng.

Ông Đỗ Danh Hiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty Giày An Phước, cho biết, doanh nghiệp không chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu thiên về chất lượng sản phẩm cao cấp mà còn giữ uy tín với các đối tác, khách hàng thông qua việc đảm bảo cung ứng nguồn hàng theo yêu cầu của khách hàng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

“Tuy nhiên, chi phí trong thời điểm sản xuất '3 tại chỗ' rất lớn và ngay cả khi thành phố nới lỏng giãn cách thì chi phí cho các biện pháp phòng, chống dịch thường xuyên cũng không nhỏ. Doanh nghiệp tự bù lỗ suốt trong mấy tháng dịch bệnh và nay đã chuyển sang trạng thái cân bằng; lượng công nhân không bị suy giảm nhiều,” ông Hiển chia sẻ.

Tính đến cuối năm 2021, tuy bối cảnh dịch COVID-19 còn rất căng thẳng nhưng ngành dệt may-da giày đã phát ra tín hiệu rất đáng mừng so với các lĩnh vực khác. Mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của Hiệp hội Dệt may và Da giày, túi xách Việt Nam được đánh giá là rất khả quan.

Cụ thể, việc các doanh nghiệp ngành dệt may hoạt động trở lại kết hợp với một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu (EU) mở cửa đã giúp tốc độ tăng trưởng nhanh. Tỷ lệ người lao động đã trở lại làm việc đạt hơn 90%; nhiều doanh nghiệp dệt may lớn đã và vượt kế hoạch năm 2021.

[Tết Nguyên đán 2022: Doanh nghiệp xoay xở tiền thưởng cho lao động]

Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu toàn quốc của ngành dệt may đã cán mốc 39 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020 và nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lãi tăng gấp đôi so với năm trước đó. Đối với ngành da giày, tuy đại dịch gây không ít khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, tính đến giữa tháng 11/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu túi xách và giày dép ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, mức lương bình quân từ 8,2-8,3 triệu đồng/tháng của công nhân ngành may ở khu vực phía Bắc hay 7-10 triệu đồng/tháng của công nhân ngành may ở khu vực phía Nam; mức thưởng Tết từ 1-1,5 tháng lương, có doanh nghiệp 3 tháng lương hay ước tính thực nhận 12-16 triệu đồng trong dịp Tết...

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hơn 94% người lao động ngành dệt may, trong đó có 60,6% người lao động ngừng việc, 27,3% làm việc 3 tại chỗ, 6,3% làm việc luân phiên.

Dịch bệnh cũng làm 48,6% người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu trong gia đình, 25,9% phải sử dụng tiền tiết kiệm; 20,1% phải vay mượn người thân, ngân hàng và 1,4% phải vay mượn "tín dụng đen" với lãi suất cao để trang trải cuộc sống.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thanh Tùng (Viện Công nhân và Công đoàn) thì ngay tại thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các cấp chính quyền, công đoàn địa phương, công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động.

Cụ thể có 12,2% người lao động tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ, 7,9% tiếp cận các gói hỗ trợ của Tổng Liên doàn; 8,7% thuộc gói hỗ trợ địa phương; 1,2 thuộc doanh nghiệp hỗ trợ...

Công đoàn và ngành dệt may-da giày nỗ lực chăm lo cho người lao động ảnh 2Mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của Hiệp hội Dệt may và Da giày, túi xách Việt Nam được đánh giá là khả quan. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Nguyễn Phi Hỗ, Phó Trưởng ban Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, tính chung Công đoàn thành phố đã chăm lo cho 316.315 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho hơn 31.700 đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ,” trao tặng 350.000 “Gói an sinh công đoàn.”

Công đoàn các cấp cũng đã thành lập 7.260 Tổ an toàn, 5.382/7.509 đơn vị xây dựng phương án phòng, chống dịch; tổ chức kịp thời các hoạt động chăm lo công nhân lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc không hưởng lương và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Trong đó, công đoàn các cấp hỗ trợ hơn 310 tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu, tổ chức 27 phiên “Siêu thị 0 đồng,” vận động hơn 20.100 chủ nhà trọ có “Tổ công nhân tự quản” giảm giá thuê phòng, điện nước, chăm lo đời sống tinh thần và cho con của đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, các công đoàn cơ sở cũng chủ động tổ chức nhiều chương trình phúc lợi cho đoàn viên, công nhân, người lao động; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động.

Ngoài ra, Công đoàn còn chủ động phối hợp chủ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt đông phòng chống dịch bệnh; tổ chức chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động kịp thời; đồng thời, vận động đoàn viên công đoàn cùng tham gia chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục