Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực quan tâm đến người lao động

Sau 7 năm tổ chức, Tháng Công nhân để lại dấu ấn tốt đẹp trong đoàn viên công đoàn, người lao động trên cả nước; những hoạt động thiết thực đã giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần nhau hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (trái) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang động viên công nhân lao động trong căn nhà Mái ấm công đoàn. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (trái) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang động viên công nhân lao động trong căn nhà Mái ấm công đoàn. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Tháng Công nhân năm 2020 phải dừng nhiều hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lại được bổ sung nhiều nội dung phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo sức khỏe cũng như thu nhập cho người lao động.

Sau 7 năm tổ chức, Tháng Công nhân đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong hầu hết đoàn viên công đoàn và người lao động trên cả nước. Những hoạt động thiết thực đã giúp người lao động và chủ doanh nghiệp đến gần với nhau hơn.

Người sử dụng lao động thông qua đối thoại đã nắm được nhu cầu, mong muốn cũng như điều kiện, hoàn cảnh của công nhân để đưa ra những chính sách, chế độ phù hợp hơn. Người lao động cũng hiểu biết hơn về pháp luật, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải để có sự cảm thông, chia sẻ, gắn bó trong công việc.

Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có nhiều chuyển biến

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết các hoạt động của Tháng Công nhân đã chuyển từ bề nổi sang những hoạt động có chiều sâu; có những giải pháp để ổn định tư tưởng của người lao động, giúp người lao động có tâm thế sẵn sàng chia sẻ những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh các hoạt động hướng đến người lao động trong Tháng Công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các loại hình doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Nghệ An và thành phố Cần Thơ.

Qua giám sát cho thấy, Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành hệ thống các văn bản về chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động đã được tích cực triển khai thực hiện với nhiều hoạt động. Các doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; quan tâm thực hiện các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động. Nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa của chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có những bước chuyển biến cơ bản…

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn tồn tại, hạn chế như một số văn bản ban hành chưa sát thực tế. Nhiều cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp huyện không có trình độ chuyên môn thuộc các khối chuyên ngành kỹ thuật.

[Công đoàn đồng hành cùng người lao động vượt qua đại dịch COVID-19]

Quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn còn trường hợp chưa hướng dẫn cụ thể, nên hiện chưa giải quyết được hoặc giải quyết không thống nhất với một số vụ việc tương tự. Còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm và dành nguồn lực, kinh phí thỏa đáng cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tỷ lệ các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ còn thấp hoặc một số nơi thực hiện mang tính hình thức…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau giám sát, cơ quan này đã ban hành báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền ở địa phương liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

Sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đến nay (tháng 11/2019), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thành phố Đà Nẵng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Daiwa Việt Nam.

Qua giám sát cho thấy, các cơ quan, ban ngành liên quan của thành phố đã ký kết, thực hiện nhiều chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội; các đơn vị đều đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo theo mức lương quy định; việc sử dụng kinh phí chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội được thực hiện đúng quy định hiện hành.

Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thu, chi đảm bảo an toàn, không để xảy ra thất thoát quỹ; quản lý chặt chẽ công tác chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại bưu điện, bảo hiểm xã hội quận, huyện, đảm bảo an toàn tiền mặt, chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng người hưởng…

Tuy nhiên, vấn đề giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa đạt được kỳ vọng, bởi việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp chưa cao, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân có tính chất gia đình. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần như không có khả năng thu hồi do nhiều đơn vị mất tích, không còn hoạt động, bị phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn...

Tính đến ngày 30/11/2019, thành phố có 4.738 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (trong đó, chậm đóng dưới 03 tháng: 3.725 đơn vị; chậm đóng trên 03 tháng: 1.013 đơn vị; doanh nghiệp để nợ khó thu: 983 đơn vị). Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp là hơn 261,8 tỷ đồng (trong đó, nợ dưới 03 tháng: 90,6 tỷ đồng; nợ trên 3 tháng: 116,5 tỷ  đồng; số nợ khó thu: 54,7 tỷ đồng).

Từ thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ: Xem xét lại quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng lương hưu đối với nữ đủ 45 tuổi: “bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên” so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 là “bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên.” Theo đó, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của người lao động hiện tại là quá cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực quan tâm đến người lao động ảnh 1Công ty cổ phần May Chiến Thắng chuyển đổi dây chuyền sang may quần áo bảo hộ y tế. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổ chức công đoàn cũng đề nghị có quy định cụ thể để tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với một số trường hợp như: Người lao động có quá trình công tác trước ngày 01/01/1995 không có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh quá trình công tác và cơ quan quản lý cũ của người lao động đã giải thể; sổ bảo hiểm xã hội trước đây ghi chép thiếu sót hoặc không ghi đúng chức danh công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội...

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ quy định cụ thể mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.

Hiện nay, theo quy định tại điểm 2.6, khoản 2, Điều 6 của Quyết định số 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc… không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, đối với người lao động làm việc không trọn thời gian thì số giờ làm việc ít hơn số giờ làm việc bình thường trong tháng theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì vậy, tiền lương tháng của người lao động làm việc không trọn thời gian đối với công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động làm việc bình thường sẽ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.

Triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp công đoàn

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và động viên người lao động tại 4 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội và Cần Thơ.

Trong quá trình đồng hành cùng cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chưa làm rõ và thiếu một số đối tượng người lao động được hỗ trợ (như người lao động là giáo viên các trường ngoài công lập; người lao động nghỉ luân phiên từ 01-03 ngày/tuần để đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội; người lao động ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động mà tiền lương ngừng việc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng...).

Sau giám sát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có một số kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chế độ, chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp phù hợp với tình hình thực tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục