Những ngày qua, dòng người từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... “rồng rắn” chạy xe máy về các tỉnh miền Tây, trong đó, có tỉnh Đồng Tháp. Đa số người dân trở về là công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, thợ hồ, buôn bán tự do... thất nghiệp nhiều tháng do dịch COVID-19 kéo dài.
Trên hành trình hồi hương, nhiều người thấy ấm lòng khi được lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ; thanh niên tình nguyện, thợ sửa xe tiếp sức...
Tiếp sức chặng đường hồi hương an toàn
Trong 5 ngày qua, lượng phương tiện và người dân di chuyển qua 3 cửa ngõ vào tỉnh Đồng Tháp cũng như đi các tỉnh miền Tây trên tuyến Quốc lộ N2 (huyện Tháp Mười), Quốc lộ 30 (huyện Cao Lãnh) và Quốc lộ 80 (huyện Châu Thành) rất lớn.
Tỉnh đã huy động lực lượng tích cực hỗ trợ, tham gia phân luồng, điều tiết giao thông, kiểm tra giấy tờ và thủ tục cần thiết theo quy định để người dân nhanh chóng tiếp tục hành trình. Các lực lượng dùng loa tuyên truyền, hướng dẫn người dân hạn chế tập trung quá đông, không tiếp xúc quá gần tại khu vực chốt; phát cơm, mì gói, nước uống và sữa cho người dân.
12 giờ ngày 4/10, phóng viên có mặt tại chốt trên Quốc lộ N2 (đoạn thuộc xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) khi lực lượng chức năng huyện tiếp nhận đoàn gồm hơn 50 người xe máy về địa phương. Lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2, hướng dẫn người dân tập hợp theo từng khu vực.
Khi người dân có kết quả âm tính, Cảnh sát giao thông sẽ dẫn đoàn về các khu cách ly tập trung. Trong đoàn xe này có 2 chiếc xe máy bị hỏng lốp trên đường đã được 4 thành viên trong Câu lạc bộ cứu hộ SOS Tháp Mười với đầy đủ dụng cụ sửa chữa xe máy, nhiên liệu hỗ trợ.
Anh Huỳnh Văn Hoài Hận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cứu hộ SOS Tháp Mười (đội) cho biết, trước đây, thời gian hoạt động của đội chủ yếu từ 20 giờ đến nửa đêm, nhưng trong những ngày người dân hồi hương, các thành viên hoạt động 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ.
Đặc biệt, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân trên hành trình di chuyển dài nên việc thay lốp, săm, bơm xe, đổ xăng... đều được thực hiện miễn phí. Niềm vui của 18 thành viên trong đội là người dân về quê an toàn, nêu cao ý thức, thực hiện cách ly tốt, bảo vệ sức khỏe gia đình, bản thân và cộng động.
Vượt quãng đường dài đầy khó khăn, người dân trở về quê hương đến địa phận huyện Tháp Mười đa số đều rất mệt mỏi, cạn kiệt đồ ăn, nước uống, trong số đó có nhiều phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ. Bằng nguồn xã hội hóa, phụ nữ huyện Tháp Mười tập hợp lực lượng và nấu cơm, phân chia các túi bánh, sữa, nước để tiếp sức cho người hồi hương.
[Bamboo Airways chở hơn 600 công dân Bắc Giang từ TP.HCM về quê]
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết, lực lượng chức năng tiếp đón 24/24 giờ thì lực lượng hậu cần cũng đồng hành hỗ trợ suốt thời gian đó.
Cụ thể, mỗi ngày sẽ có 2 bữa ăn chính và các bữa ăn phụ cùng các phần cháo, sữa cho trẻ em. Ước tính, từ ngày 1-5/10, trung bình mỗi ngày có từ 500 - 1.000 suất ăn được hỗ trợ người hồi hương, giúp người dân cảm thấy ấm lòng khi trở về địa phương trong hoàn cảnh đặc biệt này.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực của các địa phương, đặc biệt là tính hiệu quả của lực lượng tuyến đầu, đội hình xung kích trong việc tiếp nhận, hỗ trợ người dân về quê. Những người làm nhiệm vụ cần phòng hộ y tế để đảm bảo sức khỏe, hạn chế bị lây nhiễm bệnh.
Các Tổ nhân dân tự quản cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình các trường hợp về từ vùng dịch ở địa bàn dân cư; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp.
Các Tổ nhân dân tự quản phát huy vai trò trong giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe hàng ngày của những người dân trên địa bàn, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng các yếu tố về nguy cơ xuất hiện dịch bệnh tại khu dân cư...
Mặt trận Tổ quốc các cấp tham mưu với cấp ủy, phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động xã hội hóa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân, không để thiếu lương thực.
Mặt trận các cấp phối hợp các ngành chức năng tại địa phương tuyên truyền, vận động ổn định tình hình trong nhân dân; để đoàn viên, hội viên, người dân tại địa bàn dân cư động viên người thân nếu còn khả năng sinh sống, cơ hội tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố không nên về quê ồ ạt làm phức tạp thêm tình hình phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các huyện, thành phố đã vận động tặng quà, suất ăn cho người dân gặp khó khăn do đại dịch; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến các khu cách ly...
Chỉ riêng trong ngày 5/10, các đơn vị đã hỗ trợ trên 13.500 phần quà, suất ăn miễn phí và nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế khác với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng.
Đảm bảo cách ly an toàn
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản chỉ đạo về công tác cách ly y tế tập trung đối với người dân tự phát trở về từ các tỉnh, thành phố.
Đồng Tháp quy định người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã là F0 (hoàn thành điều trị) được cách ly y tế tập trung; sau 3 ngày thực hiện xét nghiệm RT-PCR, nếu âm tính thì được về cách ly y tế tại nhà để tiếp tục cách ly đủ 14 ngày.
Người dân đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được cách ly y tế tập trung; sau 7 ngày thực hiện xét nghiệm RT-PCR, nếu âm tính sẽ được về cách ly y tế tại nhà đủ 14 ngày. Người dân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 phải cách ly y tế tập trung 14 ngày theo quy định.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ ngày 1-5/10, có 23.813 người dân Đồng Tháp từ các vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... trở về địa phương. Tất cả đều được sàng lọc, tầm soát và cách ly theo quy định.
Qua xét nghiệm, Đồng Tháp ghi nhận 130 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã kích hoạt 111 khu cách ly, với công suất tối đa gần 22.200 nghìn người và đã bố trí cho 20.368 người.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhấn mạnh, tỉnh quán triệt quan điểm “xem việc đón và tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người dân trở về địa phương là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”. Trên tinh thần đó, các địa phương đặt mục tiêu sức khỏe, an toàn của người dân lên trên hết, không để phát sinh ca mắc trong cộng đồng.
Các địa phương kích hoạt và vận hành lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; chủ động các phương án trong mọi tình huống đặt ở mức độ cao nhất, tận dụng những nơi có đủ điều kiện làm khu cách ly; chuẩn bị cơ sở điều trị, các đội phản ứng nhanh, tổ y tế cộng đồng, các đội hình lấy mẫu... Việc giám sát, quản lý chặt chẽ tình hình dân cư trên địa bàn; tiếp tục tầm soát nhanh, hiệu quả cần được quan tâm thực hiện.
Tình hình dịch bệnh trong tỉnh đã được kiểm soát tốt. Cả tỉnh chỉ còn 3 xã ở mức “nguy cơ rất cao,” 4 xã “nguy cơ cao,” 12 xã “nguy cơ” và 124 xã “bình thường mới.” Tỉnh hiện có 26 khu vực bị phong tỏa.
Trước tình hình người dân trở về quê dự báo sẽ tiếp tục tăng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các địa phương chuẩn bị đón, hỗ trợ người dân an toàn, chu đáo, phân nhóm theo huyện, thành phố, hướng dẫn di chuyển và bố trí xét nghiệm sàng lọc để kịp thời phát hiện các ca mắc COVID-19.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thông điệp 5K, các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho rằng, việc tổ chức đón, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân trở về không chỉ đảm bảo an toàn phòng, chống dịch mà còn góp phần nâng cao hình ảnh con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo./.