CPTPP sắp “cán đích” - niềm hy vọng cho tự do thương mại thế giới

Nỗ lực thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định CPTPP đang có tiến triển thuận lợi khi có thêm nhiều thành viên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước.
CPTPP sắp “cán đích” - niềm hy vọng cho tự do thương mại thế giới ảnh 1Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago ngày 8/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nỗ lực thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang có tiến triển thuận lợi khi có thêm nhiều thành viên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước.

CPTPP được giới quan sát đánh giá là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới.

Ngày 29/10, Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada Jim Carr có cuộc gặp với ông Daniel Mellsop, Cao ủy New Zealand tại Canada để thông báo về việc Canada chính thức phê chuẩn CPTPP.

New Zealand là quốc gia chịu trách nhiệm theo dõi và ghi chép tiến trình hiệp định.

Bộ trưởng Jim Carr cho biết Canada đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để phê chuẩn và thực hiện CPTPP.

Là quốc gia thứ năm phê chuẩn CPTPP, sau Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand, Canada sẽ nằm trong 6 quốc gia thành viên đầu tiên được hưởng những lợi ích của CPTPP khi thỏa thuận được thực thi.

Và Canada sẽ là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các thành viên khác của G7.

Trước đó ngày 25/10, Chính phủ New Zealand thông báo nước này đã chính thức phê chuẩn CPTPP.

[Canada thông báo chính thức phê chuẩn hiệp định CPTPP]

Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết tầm quan trọng của CPTPP đã gia tăng trong những tháng gần đây trước “sự leo thang của các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới.”

Theo ông Parker, việc New Zealand thông qua CPTPP có nghĩa trong tương lai các doanh nghiệp của nước này sẽ có thể được hưởng lợi từ các điều kiện thương mại được cải thiện và thuế quan hạ thấp.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, chậm lại.

Còn Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ các nước đang phát triển có thể tăng thêm thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cành nghèo.

Với tên gọi trước đây là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP đã được 11 nước thành viên bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng Ba vừa qua tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

CPTPP sẽ tạo nên một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, với quy mô kinh tế của khối lên tới 13.500 tỷ USD. Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 nước phê chuẩn.

Theo giới chuyên gia, CPTPP được chính thức ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân.

CPTPP cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, là minh chứng rằng một nền kinh tế mở sẽ đem lại lợi ích cho các nước thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục