Cử tri Bình Dương quan tâm về chiến lược phục hồi sau dịch COVID-19

Cử tri Bình Dương đã bàn luận về sự góp mặt của báo chí chính thống trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc phát triển, thúc đẩy gói đầu tư công, việc sử dụng hay kêu gọi nguồn lao động.
Cử tri Bình Dương quan tâm về chiến lược phục hồi sau dịch COVID-19 ảnh 1Cử tri Lê Văn Khánh tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/11. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/11 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Bình Dương.

Nhiều ý kiến đã bàn luận về sự góp mặt của báo chí chính thống trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc phát triển, thúc đẩy gói đầu tư công, việc sử dụng hay kêu gọi nguồn lao động cũng như việc xây dựng nhà ở công nhân để có thể đảm báo các chính sách an sinh xã hội…

Cần cảnh giác khi tiếp nhận thông tin

Cử tri Lê Văn Khánh (hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương), cử tri tại thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), cho biết, ông theo dõi rất sát các nội dung tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Có nhiều vấn đề được các đại biểu Phạm Nam Tiến (Đăk Nông) và Đặng Xuân Phương (Nghệ An) nêu lên nhưng ông lưu tâm đến nội dung về truyền thông, thông tin xấu độc, phát ngôn chưa chính xác, việc chưa thống nhất của các app phòng, chống COVID-19 ở nhiều địa phương...

[Cử tri Bình Dương, Bình Phước đi bầu cử trong tình hình dịch kiểm soát]

Theo cử tri Lê Văn Khánh, Bình Dương là địa phương có số lượng người lao động đông, chủ yếu là người ngoại tỉnh. Bình Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin giả, thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị cần cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, đảm bảo nhanh nhất, không bị động, bất ngờ. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm vai trò của các nhà báo chính thống trong cuộc đấu tranh chống tin giả.

Cử tri nêu ý kiến, trong thời gian tới dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người dân cần lưu ý và cảnh giác khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội 

Nguồn lao động phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch

Cử tri Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc cho biết, ở góc độ doanh nghiệp, ông rất quan tâm đến các việc hỗ trợ nguồn lao động sau dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tuy nhiên chúng ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để tăng tốc, nhất là trong việc phục hồi sản xuất phát triển kinh tế.

Bình Dương có kế hoạch thu hút, đón người lao động từ các địa phương có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm mũi 1, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 để đảm bảo đủ điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc.

Các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn lao động vẫn là một thực tế đang diễn ra.

Công ty Triệu Phú Lộc có những chính sách quan tâm đến người lao động như hỗ trợ tiền trọ, chế độ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ... Để thu hút lao động, công ty có nhiều mức hỗ trợ tuy nhiên càng gần về cuối năm đơn hàng càng nhiều và nhu cầu tuyển dụng lao động càng cao, nguồn lao động đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm.

Cử tri Phan Thế Hải chia sẻ, cử tri rất quan tâm đến các chính sách của Chính phủ trong việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động sau dịch; mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục