Đại diện Bộ TN-MT đeo mặt nạ phòng độc kiểm tra vụ cháy Rạng Đông

Ngày 31/8, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã có mặt tại khu vực hiện trường vụ cháy Rạng Đông để tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng môi trường xung quanh.
Đại diện Bộ TN-MT đeo mặt nạ phòng độc kiểm tra vụ cháy Rạng Đông ảnh 1Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đeo mặt nạ phòng độc tại hiện trường vụ cháy. (Ảnh: Nguyễn Trường/DT)

Trước thông tin cảnh báo nguy cơ ô nhiễm hóa chất sau vụ cháy nhà kho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 31/8, ông Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại hiện trường tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng môi trường xung quanh khu vực vụ cháy.

Tham gia cùng lãnh đạo Tổng cục Môi trường, có hai tổ quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trong quá trình kiểm tra thực tế tại khu vực trung tâm và  kho xưởng của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức được trang bị mặt nạ phòng độc.

Trao đổi với báo chí, ông Thức khẳng định, đây là sự cố cháy nổ có liên quan tới an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, xảy ra trên địa bàn Thủ đô, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố Hà Nội. Ngay sau khi sự việc xảy ra, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, sở ngành liên quan thực hiện các biện pháp kịp thời ứng cứu, khống chế và dập tắt đám cháy ngay trong đêm ngày 28/8.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi xảy ra sự cố cháy nổ của Công ty Rạng Đông, Tổng cục Môi trường đã khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội để trao đổi, nắm bắt thông tin; chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc trực tiếp phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất xung quanh sau sự cố.

Hiện tại, kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực xảy ra sự cố cháy nổ nói riêng (đặc biệt là sau cơn mưa vào các ngày 29-30/8) đều ở mức bình thường, nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ dựa trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học; sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Vì thế, để bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh công ty cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình (đối với các hộ dân ở gần công ty); không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở.

“Tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên,” ông Thức thông tin.

[Vụ cháy Rạng Đông: Không khí tạm an toàn, lo ô nhiễm nguồn nước]

Cũng trong sáng 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức lên tiếng trước lo ngại về an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường sau vụ cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất của Công ty Rạng Đông.

Theo nhận đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơn mưa lớn trong đêm 29/8 và ngày 30/9 đã khiến ô nhiễm không khí sau sự cố cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được “xử lý tự nhiên.” Tuy nhiên, sau cơn mưa, vấn đề đáng lo ngại là ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nguồn nước mặt trong khu vực này để sinh hoạt và ăn uống.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu có các chất gây ô nhiễm sẽ nhanh chóng kiểm tra y tế đối với người dân trên địa bàn.

Theo đó, khi có kết quả chính xác chất lượng môi trường xung quanh (không khí, nước, đất), cơ quan chức năng sẽ đưa ra các cảnh báo, có đề xuất giải pháp, xem xét giám sát khu vực ảnh hưởng, tiến hành theo dõi giám sát nước mặt, nước ngầm để công bố rộng rãi.

Đại diện Bộ TN-MT đeo mặt nạ phòng độc kiểm tra vụ cháy Rạng Đông ảnh 2Vụ cháy Rạng Đông vào ngày 28/8 khiến khói đen bay ngùn ngụt. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Trước đó, chiều 30/8, Công ty Rạng Đông đã có thông báo gửi tới Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân và các cơ quan quản lý cấp trên cùng cổ đông, khách hàng về vụ cháy xảy ra vào tối 28/8, khẳng định một số các vật tư và nguyên vật liệu sử dụng sản xuất bòng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đảm bảo an toàn ngay cả khi cháy, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Ngoài ra, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất năm 2016.

Ngay sau khi đọc được thông tin trên, giới chuyên gia môi trường đã bày tỏ sự hoài nghi về chất amalgam trong bóng đèn khi xảy ra cháy nổ. Bởi lẽ, amalgam vẫn có hàm lượng thủy ngân khá lớn (chiếm khoảng 50%). Việc sử dụng amalgam là để phòng người dân có làm vỡ bóng đèn thì thủy ngân không bay hơi.

Theo nhận định của ông Đỗ Thanh Bái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, một khi đã xảy ra sự cố cháy nổ thì viên amalgam với thủy ngân lỏng cũng không có gì khác nhau. Khi xảy ra cháy nổ, toàn bộ các chất trong bóng đèn sẽ bị đẩy ra ngoài môi trường không khí, đất và nước.

“Tuy nhiên, hàm lượng thủy ngân bao nhiêu thì đã bị mưa dội xuống, cho nên bây giờ lấy mẫu không khí thì không có được,” ông Bái nhấn mạnh. Vì thế, để xác định chính xác kết quả và khuyến cáo người dân, số liệu tin cậy nhất là để đơn vị thứ 3 tổ chức quan trắc độc lập,” ông Bái nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục