Đại hội đồng Liên hợp quốc lo ngại về dịch bệnh Ebola

Đại hội đồng Liên hợp quốc lo ngại sâu sắc về dịch bệnh Ebola

Ngày 19/9, tại New York, các đại biểu dự Khóa họp 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự hoành của dịch bệnh Ebola ở khu vực Tây Phi.
Đại hội đồng Liên hợp quốc lo ngại sâu sắc về dịch bệnh Ebola ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 19/9, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, các đại biểu tham dự Khóa họp 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự hoành hành của dịch bệnh Ebola ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Tây Phi.

Đại hội đồng đã ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ những cố gắng của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này, trong đó có việc thành lập Phái bộ đặc biệt của Liên hợp quốc để đối phó với dịch bệnh Ebola.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn Tuyên bố của Đại hội đồng, hoan nghênh những cố gắng không mệt mỏi của Tổng thư ký Ban Ki-moon trong việc chống lại dịch bệnh Ebola và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, các cơ quan chức năng của tổ chức này cùng làm hết sức mình để ủng hộ hoạt động của Phái bộ đặc biệt của Liên hợp quốc về dịch bệnh Ebola.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 69 Sam Kahama Kutesa nhấn mạnh Ebola đã lây lan với tốc độ chóng mặt và nguy hiểm đến mức đây không chỉ là nỗi lo của một quốc gia hay một khu vực riêng rẽ, mà đã trở thành thảm họa chung của cộng đồng quốc tế, tạo ra cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.

Ông đặc biệt lo ngại trước việc virus Ebola có tốc độ lây nhiễm quá nhanh và quá rộng, khiến số bệnh nhân luôn tăng gấp đôi sau mỗi ba tuần lễ và tạo ra mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm.

Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Kutesa cho biết đến nay đã có hơn 5.300 người bị nhiễm bệnh Ebola, chủ yếu ở các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone; trong đó đã có hơn 2.600 người tử vong.

Chủ tịch Đại hội đồng 69 còn đặc biệt lo ngại trước cảnh báo của WHO cho rằng nếu không sớm được ngăn chặn, chỉ trong thời gian ngắn nữa, dịch bệnh Ebola sẽ ảnh hưởng tới không dưới 20.000 người và khi ấy, hậu họa sẽ khôn lường.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm giúp các quốc gia ở Tây Phi đối phó với dịch Ebola, Liên hợp quốc đã cử 3.000 binh sỹ tới Liberia để giúp nước này huấn luyện các nhân viên y tế. Pháp và Đức cũng công bố kế hoạch gửi máy bay vận tải quân sự tới Liberia để giúp vận chuyển đồ cứu tế đến các khu vực "ổ dịch."

Trước đó, Siera Leone đã tuyên bố 3 ngày giới nghiêm trên toàn quốc từ 19-21/9, để kiềm chế sự lây lan của virus Ebola. Trong thời gian giới nghiêm, các nhân viên y tế của Siera Leone tiến hành rà soát từng căn nhà để tìm kiếm những người nhiễm bệnh đang lẩn trốn, đồng thời phân phát khoảng 1,5 triệu bánh xà phòng và các loại tờ rơi hướng dẫn cách phòng bệnh.

Chính phủ Sierra Leone hy vọng chiến dịch này sẽ giúp ngành y tế phát hiện được hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh đang cố tình lẩn trốn việc chữa trị khiến nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục