Đại sứ Anh tại LHQ: Việt Nam có nhiều đóng góp rất giá trị tại HĐBA

Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward đánh giá nếu không có Việt Nam, Hội đồng Bảo an có thể chệch hướng trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết như bảo vệ dân thường trong xung đột...
Đại sứ Anh tại LHQ: Việt Nam có nhiều đóng góp rất giá trị tại HĐBA ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an về Biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việt Nam sẽ kết thúc nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 31/12/2021.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng Phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc, một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam tại cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc cũng như những thách thức mà cơ quan này đang đối mặt.

- 2021 là một năm đầy thách thức với Hội đồng Bảo an với nhiều cuộc khủng hoảng chính trị mới nổi lên. Hội đồng Bảo an đã giải quyết những thách thức này như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Barbara Woodward: Năm nay đúng là một năm đầy thách thức lớn, đại dịch COVID-19 với nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành trên thế giới, chưa kể tới nhiều thách thức xuyên quốc gia khác như biến đổi khí hậu hay các cuộc xung đột mới xảy ra ở nhiều nơi như Myanmar, các sự kiện đảo chính sau đó ở Sudan hay Afghanistan…

Chính vì vậy, chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an rất nặng nề. Tôi không hy vọng rằng Hội đồng Bảo an luôn có được sự nhất trí về tất cả những vấn đề vừa nêu, nhưng sức mạnh của Hội đồng Bảo an là ở chỗ chúng tôi có những quan điểm rất khác biệt nhưng cùng cố gắng để cuối cùng đạt được đồng thuận thông qua sự chia sẻ cả những quan điểm giống nhau cũng như những quan điểm khác biệt.

Hiện nay mọi thứ đang bắt đầu vận hành suôn sẻ theo hướng tích cực đó. Hồi đầu năm, Hội đồng Bảo an đã ra được tuyên bố chung về sự kiện ở Myanmar và nhờ vậy đặt ra được khuôn khổ hành động để có thể hỗ trợ cho ASEAN khi tổ chức này muốn đưa ra được một giải pháp mang tính khu vực cho vấn đề.

[Việt Nam nâng vị thế ASEAN tại HĐBA trong giải quyết vấn đề quốc tế]

Mới đây, Hội đồng Bảo an đã đạt được thỏa thuận sẽ cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan mà không vi phạm cơ chế trừng phạt Taliban đã có từ trước đó và nhờ vậy chúng tôi đã cứu giúp được khoảng 20 triệu người dân Afghanistan đang phải sống trong cảnh rất cơ cực.

Trong những tình huống đối mặt với khủng hoảng, chúng tôi đã có được sự đoàn kết hợp tác với nhau và đặc biệt chúng tôi cũng đã hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam trong vấn đề này.

- Thưa Đại sứ, Hội đồng Bảo an đã làm gì để giải quyết những bất đồng đang tồn tại và đạt được các tiến triển, nhất là với những vấn đề cấp thiết cần có giải pháp ngay lập tức?

Đại sứ Barbara Woodward: Tôi công nhận rằng các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (P5) thường bất đồng trong nhiều vấn đề. Với nước Anh, chúng tôi coi vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức cao cả.

Thực ra, nhóm P5 đã đoàn kết với nhau giải quyết được rất nhiều vấn đề, ví dụ như đạt được đồng thuận để duy trì tuyến đường vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân ở phía Bắc Syria trong mùa Hè vừa qua hay đạt được đồng thuận hồi tháng 2 cần phải nỗ lực hết sức để phân phối vaccine phòng COVID-19 tới tất cả mọi nơi trên thế giới, nhất là những nơi đang có xung đột và nhiều người tị nạn để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong năm nay, chúng tôi đã nhiều lần đạt được đồng thuận với nhau, dù không phải lúc nào cũng được như vậy, nhưng rõ ràng đó cũng là những thành công khiến tôi thấy tin tưởng hơn về tương lai hợp tác của nhóm P5 trong năm tới.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của các nước ủy viên không thường trực (E10), nhất là Việt Nam, trong việc hợp tác với P5 để giải quyết các cuộc khủng hoảng mới trên thế giới? 

Đại sứ Barbara Woodward: Chúng tôi dựa vào các nước E10 cũng như vào các nước ủy viên thường trực. Chúng tôi cùng soạn thảo nghị quyết, cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm công việc như nhau và điều này rất quan trọng vì mỗi thành viên trong Hội đồng Bảo an đều có được tiếng nói riêng và phát huy sức mạnh của riêng mình.

Tôi đánh giá cao Việt Nam vì Việt Nam phải trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy ở bề nổi, ví dụ như vấn đề vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột hay hành động giải quyết vấn đề bom mìn.

Đại sứ Anh tại LHQ: Việt Nam có nhiều đóng góp rất giá trị tại HĐBA ảnh 2Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Tất cả những vấn đề này đều rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Chính vì vậy, nếu không có Việt Nam, tôi nghĩ Hội đồng Bảo an có thể chệch hướng trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết như vậy, cho nên những đóng góp của Việt Nam là rất có giá trị trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.

Tôi hiểu rằng sau này kể cả khi không còn ở trong Hội đồng Bảo an thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi những vấn đề mà các bạn quan tâm ở các diễn đàn khác như Đại Hội đồng Liên hợp quốc hay các ủy ban của Liên hợp quốc.

- Theo Đại sứ, đâu là những thách thức mà Hội đồng Bảo an sẽ phải đối mặt trong năm 2022?

Đại sứ Barbara Woodward: Tại Hội đồng Bảo an, tôi thấy có 3 thách thức mà chúng tôi sẽ phải tiếp tục đối mặt vào năm tới.

Trong tiếng Anh, cả 3 thách thức đều bắt đầu bằng chữ C: đó là đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và xung đột (COVID-19, Climate Change, Conflict). 

Với đại dịch COVID-19, Hội đồng Bảo an cần đảm bảo vaccine sẽ được cung cấp tới mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi phải đảm bảo nguồn lực và nguồn tài chính để có thể làm được như vậy và nước Anh cam kết đóng góp mạnh mẽ vào tiến trình này.

Với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi rất vui mừng Việt Nam đã tham gia cam kết tới năm 2040 sẽ không còn dùng than đá, đồng thời sẽ đưa mức khí thải nhà kính về bằng 0 vào năm 2050. Hội đồng Bảo an rất kỳ vọng sẽ hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực này.

Điều đáng buồn là chúng tôi sẽ vẫn phải tiếp tục giải quyết các cuộc xung đột xảy ra trên thế giới cho dù đó là ở Tigray (Ethiopia), Afghanistan hay Myanmar để đưa các nước trở lại hòa bình và ổn định.

Còn rất nhiều nơi khác nữa đang cần có vai trò của Hội đồng Bảo an để có thể giải quyết xung đột.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục