Di cư lên phố vẫn nghèo

Dân di cư ở thành phố khó tiếp cận dịch vụ xã hội

Theo Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, vấn đề nghèo đô thị thiếu tiếp cận các dịch vụ xã hội vẫn đang tồn tại ở Hà Nội và TP.HCM.
Ngày 15/12, UNDP phối hợp với thành phố Hà Nội công bố kết quả Khảo sát nghèo đô thị tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Hoàng Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, để giải quyết vấn đề thiếu hụt về số liệu phục vụ giám sát và đánh giá nghèo một cách toàn diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dự án “Hỗ trợ đánh giá sâu về nghèo đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” được thành lập và đây là lần đầu tiên dự án tiếp cận đến vấn đề nghèo đa chiều tại hai thành phố.

Dự án do UNDP hỗ trợ tiến hành điều tra thực địa vào tháng 10-11/2009 với các mục tiêu chính như đánh giá mức độ nghèo đô thị ở hai thành phố với trọng tâm là thu thập thông tin từ tất cả các nhóm dân cư bao gồm cả dân có hộ khẩu và dân di cứ không có hộ khẩu hoặc di cư tạm thời; phân tích đặc điểm của người nghèo đô thị, chú trọng đặc biệt đến việc làm, thu nhập cũng như sở hữu các đồ dùng lâu bền và khả năng giải quyết khó khăn của người dân; và nhận diện các vấn đề chính của nghèo đô thị và lý giải nguyên nhân nghèo.

Bà Setsuko Yamazaki, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, khi phát triển kinh tế của các đô thị càng cao, vấn đề nghèo đô thị không chỉ còn là sự thiếu hụt về thu nhập mà còn là thiếu hụt về tiếp cận tới các dịch vụ xã hội bao gồm giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, việc làm, tham gia xã hội… vẫn đang tồn tại ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

UNDP sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ hai thành phố kế hoạch để theo dõi, giám sát tình trạng nghèo cũng như những giải pháp chính sách đối với các vấn đề đã được xác định, bà Setsuko Yamazaki nói.

Khảo sát nghèo đô thị đã đưa ra nhiều con số cụ thể như tỷ lệ dân di cư không có hộ khẩu ở Hà Nội là 11,4%, Thành phố Hồ Chí Minh là 20,6; Hà Nội đạt được kết quả về giáo dục ở mức cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh; còn một tỷ lệ lớn dân cư không có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tập trung vào nhóm 20% dân nghèo nhất, 56,5% dân di cư không có bảo hiểm y tế, cao gấp 1,7 lần dân thường trú; có 2,3% trẻ em từ 10-14 tuổi đang làm việc, trong đó ở nhóm dân di cư tỷ lệ này là 14,7%.

Bên cạnh đó, thu nhập của một người trong một tháng ở Hà Nội là 2,3 triệu đồng và Thành phố Hồ Chí Minh là gần 2,5 triệu đồng nhưng dân thường trú thường có thu nhập và chi tiêu cao hơn dân di cư 16%.

Theo Khảo sát nghèo đô thị cũng đã khuyến nghị, trong thời gian tới chính quyền hai thành phố cần xây dựng kế hoạch giảm nghèo toàn diện cùng với hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả nghèo đô thị với hướng nhìn đa chiều và trọng tâm vào một số lĩnh vực như tăng cường hệ thống an sinh xã hội, các dịch vụ nhà, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và huy động trẻ em đến trường, tạo công bằng trong tiếpcận các cơ sở giáo dục công lập, chăm sóc y tế và bảo hiểm y tế và huy động tham gia của người dân, cụ thể là dân di cư vào các hoạt động xã hội và tổ chức xã hội./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục