Ngày 14/8, hơn 2.000 người dân thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri (Mỹ) đã tụ tập biểu tình trong ngày thứ năm liên tiếp nhằm phản đối vụ một thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết hôm 9/8.
Hãng tin Pháp AFP đưa tin, cuộc biểu tình diễn ra trong không khí ôn hòa, trái với tình trạng bạo loạn và quá khích trong các cuộc biểu tình bốn ngày trước. Những người biểu tình tuần hành tới một nhà thờ của thị trấn, hô khẩu hiệu "Hands up, don't shoot" (Đừng bắn khi đã giơ tay). Nhiều người da trắng cũng tham gia cuộc biểu tình này.
Tại vùng ngoại ô St.Louis, nơi chàng thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown bị cảnh sát bắn chết khi đang đi chơi cùng bạn, biểu tình cũng diễn ra nhưng với quy mô nhỏ hơn. Khoảng vài trăm người dân, trong đó có cả thân nhân của nạn nhân, đã tụ tập tại Đài tưởng niệm Gateway Arch, công trình kiến trúc nổi tiếng của địa phương.
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Thống đốc bang Missouri Jay Nixon đã quyết định điều một cảnh sát da màu về thị trấn Ferguson chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh. Người được giao nhiệm vụ là Ron Johnson, người đứng đầu Cơ quan tuần tra đường cao tốc.
Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, ông Johnson cam kết sẽ giải tán các xe vũ trang hạng nặng để hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời yêu cầu cảnh sát không đeo mặt nạ và không mang theo đạn hơi cay khi tới các điểm biểu tình. Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người biểu tình, sử dụng đạn cay và hơi cay để giải tán người biểu tình.
Truyền thông Mỹ cho biết làn sóng biểu tình cũng đã lan tới thành phố New York khi hàng trăm người dân xuống đường tuần hành thể hiện sự đoàn kết với những người biểu tình ở St.Louis và thị trấn Ferguson. Họ giương cao những biểu ngữ như "Đoàn kết với người dân Ferguson", "Eric Garner, Michael Brown, công lý" trong suốt thời gian tuần hành qua các tuyến phố chính để đến công viên Quảng trường Thống nhất. Cảnh sát đã phải đóng cửa một trong những tuyến phố lớn của Mahattan.
Tại Mỹ từng xảy ra nhiều vụ cảnh sát đối xử tệ với người da màu, gây ra những tranh cãi trong dư luận về sự phân biệt đối xử của giới chức thực thi luật pháp vốn có phần đông là người da trắng.
Hồi tháng Bảy, tại bang New York cũng xảy ra vụ việc tương tự năm cảnh sát bắt giữ người đàn ông da màu Eric Garner vì nghi ngờ ông này bán lẻ thuốc lá lậu tại khu Harlem, một trong những khu vực phức tạp nhất của New York.
Các hình ảnh từ một máy quay nghiệp dư cho thấy một trong năm cảnh sát đã ghì tay siết cổ ông Garner cho đến khi ông này bất tỉnh trong khi những người khác lục túi quần tìm thuốc lá. Nạn nhân sau đó đã tắt thở trước khi được đưa tới bệnh viện./.