Đầu cơ tăng giá khẩu trang: Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự

Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch cúm virus corona (nCoV), nhiều cửa hàng đã nhân cơ hội tự ý ‘đôn giá’ khẩu trang lên mức gấp 3,4 lần ngày thường, khiến người tiêu dùng bức xúc.
Người dân chen lấn, tranh nhau mua khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Người dân chen lấn, tranh nhau mua khẩu trang tại chợ thuốc Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Nâng giá lên mức ‘trên trời’

Sáng ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus corona (2019nCoV - virus corona Vũ Hán). Tính đến sáng 1/2, trên toàn thế giới đã có gần 12000 ca nhiễm bệnh ở 26 quốc gia và 259 người tử vong vì dịch bệnh viêm phổi do nCoV.

Tại Việt Nam, cơ quan ban ngành xác nhận đã có 3 công dân dương tính với mầm bệnh này, bao gồm 2 trường hợp ở Hà Nội và 1 ở Thanh Hoá. Cả 3 người đều trở về Vũ Hán (Trung Quốc), hiện đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở 2 (Hà Nội).

Do lo ngại về dịch bệnh trên, tại các điểm công cộng ở Thành phố Hà Nội, nhiều người dân đeo khẩu trang để chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Đầu cơ tăng giá khẩu trang: Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự ảnh 1Hiện tượng cháy các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay xảy ra khắp các hiệu thuốc, siêu thị. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm nhu cầu mua khẩu trang y tế của người dân tăng cao, một số đối tượng đã “găm hàng” để đẩy giá lên cao để trục lợi.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus tại một cửa hàng thuốc phố Phương Mai, các loại khẩu trang đều tăng giá. Nếu trước đó, một hộp 50 chiếc loại dùng 1 lần, 3 lớp chỉ 100.000 đồng/hộp thì nay đã tăng lên 300.000 đồng. Loại khẩu trang có túi nilon bọc ngoài từng chiếc một hộp 25 chiếc cũng tăng lên 200.000 đồng/hộp.

Ông Nguyễn Văn K. (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc kể lại: "Tôi vào một cửa hàng thuốc tại Giảng Võ hôm qua bán 80.000 đồng/hộp 50 khẩu trang trắng xanh và 100.000 đồng/hộp 50 khẩu trang đen hoạt tính. Hôm nay vào hỏi thì 10.000 đồng/1 cái khẩu trang đen hoạt tính giống hệt hôm qua, thành 500.000 đồng/hộp 50 cái. Một bác già đứng cạnh mua 1 túi bóng các loại khẩu trang phải thanh toán 3,5 triệu đồng. Thật không hiểu nổi tại sao cửa hàng lại đẩy giá như vậy!”

Bức xúc trước tình hình tăng giá vô tội vạ, nhiều người dùng Facebook đã kêu gọi những nhà quản lý có chức trách vào cuộc để xử lý những cửa hàng đôn giá lên mức ‘trên trời’. Tài khoản H.A.N cho biết, chị đi mua khẩu trang về trong sự bực tức. “Trước tôi cũng hay mua 1 hộp khẩu trang trong cốp xe để chống bụi mịn, hôm qua qua cửa hàng ở phố Ngô Thì Nhậm mua thì giá đã lên tới 1.150.000 đồng/ 1 hộp 50 cái. Tôi tức quá bèn bỏ mặc đi về.” chị N nói.

Đầu cơ tăng giá khẩu trang: Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự ảnh 2Tổ công tác đang xử phạt hành chính đối với cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế số 118 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nôik. (PV/Vietnam+)

Sau khi tiếp nhận phản ánh của nhiều người dân, tối 31/1, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03, Công an Thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 Hà Nội kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế có dấu hiệu đẩy giá khẩu trang cao gấp nhiều lần nhằm trục lợi.

Tổ công tác đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trụ sở số 118 Ngọc Khánh do chị Nguyễn Thị Thu làm chủ. Đại diện cửa hàng khai báo nhận trong ngày đã bán ra 134 hộp khẩu trang y tế với giá cao gấp 6-7 lần bình thường (khoảng 300.000-350.000 đồng/hộp). Đây cũng là loại khẩu trang bình thường được bán với giá 50.000 đồng/hộp.

Sau khi kiểm tra cửa hàng, tổ công tác đã thu giữ 266 chiếc khẩu trang chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ.

Có thể bị truy tố hình sự

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, trưởng Văn phòng luật Tinh thông Luật cho biết, việc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá vật tư y tế lên cao là không thể chấp nhận được và cần bị xử lý thích đáng. Hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu cho đến 300 triệu đồng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

[Có thể xử lý việc chặt chém khẩu trang từ phản ánh của người dân]

Cụ thể, Luật sư Bình cho biết, theo Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục