Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xuất hiện thêm các dấu hiệu tích cực về triển vọng phát triển sáng sủa hơn, nhất là từ thị trường việc làm và sản lượng của ngành công nghiệp.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo công bố ngày 16/10 của Bộ Lao động Mỹ cho biết số công nhân Mỹ lần đầu tiên nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước chỉ là 264.000 người, giảm 23.000 người so với tuần trước nữa.
Đây là số lượng người lao động lần đầu tiên nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong một tuần thấp nhất kể từ năm 2000.
Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cho biết sản lượng của các nhà máy, hầm mỏ và các nhà xưởng công nghiệp của Mỹ trong tháng Chín tăng 1,0%.
Đây là mức tăng ngoài dự kiến và là mức mạnh nhất của ngành công nghiệp Mỹ kể từ tháng 11/2012. Cả hai số liệu trên đây đều là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trở lại nền tảng khá bền vững.
Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IIl năm nay có thể đạt 3,0%, so với mức tăng đột biến 4,2% trong quý trước đó.
Trong báo cáo mang tên "Beige Book" 8 lần/năm, công bố ngày 15/10, Fed nhận định kinh tế Mỹ về tổng thể tiếp tục tăng trưởng từ mức khiêm tốn đến vừa phải tại 12 khu vực phân chia theo địa lý của ngân hàng.
Mức chi tiêu của người tiêu dùng, hoạt động du lịch và ngành chế tạo tại hầu hết các khu vực này đều có nhiều khởi sắc trong khi lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng có dấu hiệu phục hồi tốt hơn.
Với các dấu hiệu tích cực trên đây, các chuyên gia dự báo, trong cuộc họp định kỳ vào ngày 28-29/10 tới, nhiều khả năng Fed sẽ quyết định chấm dứt toàn bộ gói cứu trợ thứ ba (QE-3), nhưng vẫn duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản gần như bằng 0% duy trì suốt từ tháng 12/2009 tới nay nhằm kích thích tín dụng và đầu tư để giúp duy trì đà phục hồi của nền kinh tế./.