Đầu tư Quốc lộ 19 tăng năng lực vận tải khu vực Tây Nguyên

Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230km, là tuyến đường kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định).
Đầu tư Quốc lộ 19 tăng năng lực vận tải khu vực Tây Nguyên ảnh 1Tổng thể nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng. (Ảnh: Quang Toàn/TTXVN)

Đầu tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp 18km Quốc lộ 19 đoạn km90-km108 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.

Như vậy, tổng thể nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án BOT nâng cấp hơn 34km Quốc lộ 19 (đoạn km 17+027-km51 +152) có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng đã được hoàn thành đưa vào khai thác năm 2016.

Trong khi đó, 170km cũng trên tuyến này đang được Bộ Giao thông Vận tải tải triển khai nâng cấp bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), có tổng mức đầu tư lên tới 3.600 tỷ đồng.

[Bắt đầu thi công dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên]

Cùng với 500 tỷ đồng cho 18km còn lại vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thì Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230km, kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định) sẽ được nâng cấp đồng bộ toàn tuyến.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc ưu tiên nguồn lực ngân sách giai đoạn 2021-2025 để nâng cấp các đoạn còn lại của Quốc lộ 19 cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của quốc lộ này trong việc tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung.

Có mặt tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 những ngày này, phóng viên TTXVN ghi nhận không khí thi công nhộn nhịp trên toàn tuyến trải dài cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đến huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định).

Những đoạn tuyến được nâng cấp cải tạo, đặc biệt là tuyến tránh thị xã An Khê và tuyến tránh thành phố Pleiku, nhà thầu đã tập trung rất nhiều máy móc, thiết bị để đẩy nhanh thi công.

Trên toàn tuyến, trừ gói thầu nâng cấp cải tạo đèo An Khê thuộc gói thầu XL01vừa vừa ký kết hợp đồng hôm 27/5 nên sản lượng chưa đạt được nhiều, còn lại các gói thầu khác đều triển khai đồng bộ.

Đại diện thi công gói thầu XL01 (thi công cải tạo đèo An Khê) chia sẻ, nhà thầu đã huy động 29 máy móc, thiết bị và tiếp tục huy động thêm thiết bị thi công để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào giữa năm 2023.

Trong khi đó, gói thầu XL02 thi công 13,7km tuyến tránh thị xã An Khê, đại diện nhà thầu này thông tin, đã hoàn thành phần đào đắp đường, dựng trạm trộn bê tông nhựa để thảm mặt đường trong thời gian tới.

Đối với gói thầu XL03, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị đảm nhận thi công phần đường qua thị xã An Khê, Gia Lai chia sẻ: "Ngay sau khi trúng thầu, doanh nghiệp đã huy động máy móc, thiết bị vào công trường. Hiện tại, chúng tôi đã chia ra nhiều mũi thi công đảm bảo hoàn thành gói thầu theo đúng hợp đồng đã ký kết."

Đại diện gói thầu XL05 (liên danh Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Xây dựng công trình 656) cũng thông tin, đoạn đường nâng cấp thuộc gói thầu này có chiều dài hơn 20km đi qua huyện ChưPrông, tỉnh Gia Lai hiện đã đạt khối lượng đào đắp khoảng 40% nhưng do thời tiết tại Gia Lai năm nay mưa sớm nên đã ảnh hưởng tiến độ của gói thầu.

Có thể nói Quốc lộ 19 sau thời gian chuẩn bị khá lâu với nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan đã chính thức được thi công trên toàn tuyến.

Đánh giá về tiến độ tổng thể của dự án, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), cho hay hiện 8 gói thầu của dự án đã đồng loạt triển khai, sản lượng tổng thể đạt gần 10%. Ban đã chỉ đạo nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng mũi thi công bù tiến độ bị chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trước đó.

Chia sẻ về niềm vui khi Quốc lộ 19 được nâng cấp, người dân thôn Đồng Tâm, xã  Bầu Cạn, huyện ChưPrông chia sẻ mặc dù việc nâng cấp đường ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng thời gian sẽ sớm qua đi để sau đó có đường to hơn, chúng tôi rất mừng.

Trong khi đó, anh Đồng Tiến Lê (trú tại thành phố Pleiku) - một lái xe vận tải thường xuyên chở hàng hóa từ thành phố Gia Lai xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định), chia sẻ những năm gần đây, Quốc lộ 19 thực sự  trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe vận tải và người tham gia giao thông bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Đồng Tiến Lê thông tin thêm do được xây dựng đã lâu và chỉ có quy mô hai làn xe, mặt đường nhỏ hẹp khoảng từ 7-9m chỉ đáp ứng tốc độ di chuyển thấp và thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Do đường nhỏ hẹp và có nhiều đèo, đặc biệt là đèo An Khê nên lộ trình từ Gia Lai xuống Bình Định mất từ 6-7h cho quãng đường chỉ gần 150km từ thành phố Pleiku xuống thành phố Quy Nhơn.

"Chúng tôi rất kỳ vọng vào Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 19 đang triển khai. Nếu dự án hoàn thành sẽ giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, đặc biệt là xuống cảng Quy Nhơn, lái xe chúng tôi cũng bớt vất vả cũng như tiết kiệm được tiền xăng dầu. Quan trọng hơn là sự an toàn khi tham gia giao thông, nhất là qua đèo An Khê về đêm," anh Đồng Tiến Lê cho hay.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết cảng có vai trò kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên phục vụ xuất khẩu, đồng thời cũng là cảng phục vụ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của cả vùng Tây Nguyên. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 sẽ mở ra cơ hội thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của cảng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.

Còn theo đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, tuyến Quốc lộ 19 nối liền từ Cảng Quy Nhơn đến với các tỉnh Tây Nguyên và kết thúc tại cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) có ý nghĩa chiến lược trong việc mở ra cơ hội thông thương, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông-Tây...

Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến huyết mạch này, đồng thời cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ, tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng xây dựng mới hơn 17km với 6 làn xe (đã hoàn thành năm 2020) kết nối từ cảng vào Quốc lộ 19.

"Vì vậy, việc Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy mạnh thi công Dự án cải tạo, nâng cấp toàn bộ Quốc lộ 19 cùng với Quốc lộ 19 (mới) mà tỉnh Bình Định đã đầu tư sẽ tạo ra hạ tầng đồng bộ trên toàn tuyến, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa hai chiều từ cảng lên các tỉnh Tây Nguyên," đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nhìn nhận.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai thông tin sau nhiều năm khai thác dưới áp lực lưu thông phương tiện lớn, các đoạn ngoài phạm vi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Việc Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai dự án nâng cấp, cải tạo các đoạn còn lại sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.

Cũng theo dại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, về phía địa phương rất quan tâm đến dự án này và luôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp nhịp nhàng cùng chủ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đề ra. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất quyết liệt, đảm bảo tiến độ để chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công.

Một chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay, hầu hết các mặt hàng từ tỉnh Gia Lai, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn đều vận chuyển qua Quốc lộ 19.

Như vậy, Quốc lộ 19 được cải tạo không chỉ là câu chuyện của 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định được hưởng lợi mà là của toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Dự án được hoàn thành sẽ giúp thời gian phương tiện di chuyển chặng Bình Định-Gia Lai rút ngắn chỉ còn khoảng 5 tiếng, kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông-Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung dễ dàng hơn rất nhiều.

Là dự án được thi công trong điều kiện vẫn khai thác, đại diện Ban Quản lý dự án 2 khẳng định "Công tác đảm bảo an toàn giao thông sẽ được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu không được lơ là việc đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt phải luôn cắt cử người điều phối giao thông, bố trí biển báo cọc tiêu đầy đủ."

Sau khi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 hoàn thành sẽ đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 80km/h. Thời gian thi công dự án dự kiến trong 24 tháng, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2023.

Đồng thời, tuyến Quốc lộ 19 còn góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; phát triển hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19 đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục