Đầu tư và chi tiêu công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Indonesia

Ngày 31/5, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, đầu tư và chi tiêu công sẽ là các động lực chính giúp nền kinh tế Indonesia đạt tốc độ tăng trưởng 5,3-5,9% trong năm 2023.
Đầu tư và chi tiêu công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Indonesia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 31/5, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, đầu tư và chi tiêu công sẽ là các động lực chính giúp nền kinh tế Indonesia đạt tốc độ tăng trưởng 5,3-5,9% trong năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hạ viện, Bộ trưởng Indrawati khẳng định: “Với tiềm năng của kinh tế trong nước và các biện pháp của chính phủ, dự báo tăng trưởng 5,3-5,9% là khá thực tế.”

Theo bà Indrawati, dựa vào tác động của sự bùng nổ giá cả hàng hóa vào năm 2011 và 2012, đầu tư sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng nhằm tận dụng giá cả hàng hóa cao, từ đó giúp thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế.

Việc triển khai Dự án chiến lược quốc gia và Thành phố thủ đô mới Nusantara sẽ thúc đẩy tăng trưởng đầu tư cũng như khuyến khích hoạt động đầu tư của lĩnh vực tư nhân trong tương lai. Sự cải thiện của lĩnh vực tài chính trung gian thể hiện qua tăng trưởng tín dụng cũng sẽ hỗ trợ các động lực đầu tư.

Cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) này cho rằng động lực thúc đẩy chi tiêu công sẽ mạnh hơn trong năm tới, cùng với đó là sự cải thiện về mức độ phúc lợi xã hội. Tiêu dùng dự kiến sẽ trở lại mô hình bình thường, chẳng hạn như tiêu thụ quần áo và giày dép. Du lịch và giải trí được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm nay và sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa trong năm tới.

[Kinh tế Indonesia tăng trưởng bền vững bất chấp bão giá trên toàn cầu]

Trong khi đó, các động lực và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động đến lĩnh vực ngoại thương của Indonesia vào năm 2023, trong đó xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu nhập khẩu gia tăng. Bộ trưởng Indrawati tái khẳng định rằng Chính phủ Indonesia sẽ không ngừng thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, qua đó tác động đáng kể và toàn diện đến thành tích tăng trưởng của Indonesia.

Để theo đuổi mục tiêu nói trên, chính phủ sẽ đẩy nhanh chương trình cải cách cơ cấu thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các quy định và cải tổ bộ máy hành chính.

Cuối cùng, bà Indrawati dự báo rằng các nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hạ nguồn và phục hồi ngành công nghiệp sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, trong khi sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ nâng cao hiệu suất của lĩnh vực dịch vụ hiện đại, đặc biệt là dịch vụ thương mại và truyền thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục