Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố Quyết định quy hoạch phát triển cây mắcca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030.
Cụ thể, trong giai đoạn đến năm 2020, tổng diện tích trồng cây mắcca ở hai khu vực trên là 9.940ha, trong đó, khu vực trồng tập trung chỉ khoảng 2.350ha (Tây Bắc là 1.800ha, Tây Nguyên 550ha) còn khu vực trồng xen canh với cây cà phê, chè… gần 7.590ha (Tây Bắc 1.650ha, Tây Nguyên trên 5.900ha).
Theo quy hoạch mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích cây mắcca đến năm 2020 sẽ chỉ khoảng gần 10.000ha thay vì 200.000ha như kỳ vọng của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, tức chỉ bằng gần 5% mức đề xuất.
Lý giải về việc quy hoạch phát triển cây được mệnh danh là “cây tỷ đô”, là “nữ hoàng” của các loài hạt này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Mắcca là cây trồng mới ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu khoa học về chọn giống, về đánh giá khả năng thích nghi, về kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến… đang hoàn thiện; thị trường tiêu thị sản phẩm cần phát triển từng bước vững chắc để khẳng định về hiệu quả kinh tế, xã hội.
Quy hoạch phát triển mắcca phải dựa trên cơ sở phát huy lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, phù hợp với định hướng quy hoạch ngành và sản phẩm.”
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, việc phát triển cây mắcca phải gắn với việc tạo vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống đến cây trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Mặt khác, cây mắcca là cây dài ngày, mới nhập vào Việt Nam và lại là cây trồng mục đích lấy hạt làm thực phẩm, do vậy phải xem xét từ kết quả khảo nghiệm để khẳng định sự phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng miền trong quá trình sinh trưởng cũng như phát triển của cây.
“Do đó, trước mắt từ nay đến năm 2020 chỉ những vùng được quy hoạch mới trồng và những vùng này phải đảm bảo giống tốt. Còn ở những nơi khác nếu trồng thì rủi ro cao,” Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt diện tích trồng mắcca vừa đưa ra khuyến cáo và định hướng về quy hoạch loại cây trồng này thời gian tới và yêu cầu từ nay đến năm 2020 chỉ trồng khoảng 10.000ha mắcca.
Về tiềm năng đến năm 2030, hai vùng trên có thể trồng khoảng 34.500ha cây mắcca, trong đó, khoảng 7.000ha trồng tập trung, còn lại là trồng đan xen. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích sẽ căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây mắcca giai đoạn của năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương để định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể phát triển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị, các địa phương thực hiện đúng theo quy hoạch và có hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái.
Theo quy hoạch, Bộ cũng khuyến khích người trồng mắcca tập trung đầu tư theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để cây mắcca phát triển bền vững. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi với nông dân đảm bảo quá trình thu mua và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả nhất./.