Dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng thế giới

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.
Dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng thế giới ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội thảo sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Nhằm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới trong sản xuất, ngày 9/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Viện Kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất tốt hơn với kỹ thuật số trong ngành dệt may.”

Phát biểu tại hội thảo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng nhanh chóng những năm qua.

Tính riêng năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu trên 29 tỷ USD sang Hàn Quốc. Trong lĩnh vực dệt may, Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 4,7 tỷ USD, chiếm 25% trong  tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào ngành.

"Chương trình đào tạo thường niên mà Kitech và Vitas phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đồng chia sẻ kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số kỹ thuật số, đổi mới 3D, xu hướng thời trang toàn cầu…," đại diện Vitas nói.

[Dệt may sẽ ‘dễ thở hơn' với quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA]

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhắc đến với các ứng dụng phổ biến của tự động hoá, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo… đang tạo ra cả thách thức và cơ hội cho ngành dệt may.

Về lợi ích, việc áp dụng tự động hoá giúp giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất cũng giúp ngành dệt may sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tồn kho…

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ in 3D trong sản xuất cho phép tạo ra sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu người dùng và giảm lãng phí cho nhà sản xuất, tăng thu nhập cho lao động kỹ thuật cao.

Những điều này giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu các thách thức.

Dệt may Việt Nam cần công nghệ hiện đại để bắt kịp xu hướng thế giới ảnh 2Năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu trên 29 tỷ USD sang Hàn Quốc. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Eu Joong Kim, Tham tán thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, nhất là gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

“Tôi cho rằng, để mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi thế chi phí nhân công thấp của dệt may Việt Nam là không đủ mà còn rất cần công nghệ hiện đại nhằm theo kịp xu hướng của thế giới,” ông Eu Joong Kim nói.

Ông cũng cho rằng, ngành dệt may có tốc độ phát triển rất nhanh, Chính phủ Việt Nam có thể tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao và Hàn Quốc với hệ thống viện nghiên cứu kỹ thuật công nghệ lâu năm có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục