Dịch vụ hàng quán vỉa hè “vớ bẫm” trong ngày thi

Những quán nước “di động” mọc lên như nấm tại các khu vực thi, trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng cho phụ huynh trong khi chờ đợi con.
Mặc dù thời tiết có phần “chiều lòng” các sỹ tử trong những ngày thi, những cơn mưa giông xuất hiện từ chiều tối mang đến không khí mát mẻ dễ chịu vào buổi đêm. Song trong những buổi sáng sớm, đặc biệt là tầm từ giữa trưa sang đầu giờ chiều nắng nóng oi bức vẫn khiến cho các sỹ tử, cũng như phụ huynh mệt nhoài trong ngày thi.

Những quán nước “di động” mọc lên như nấm tại các khu vực thi trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng cho phụ huynh trong khi chờ đợi và cho các sỹ tử tạm giải khát sau khi kết thúc môn thi.

Những quán mini kiểu tiện lợi, chỉ có vài chiếc ghế nhựa, can nước, âu đá và chiếc giỏ nhựa bày biện nào thuốc, kẹo, nước ngọt… mọc lên ở ven đường trở thành chỗ buôn chuyện và chỗ hẹn con dễ tìm của các bậc phụ huynh.

Vừa đèo cậu con trai đến điểm thi, anh Hoàng Văn Lý (Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân) ghé xe vào hàng nước ngay trước cổng trường và không quên dặn con: “Tan giờ thi con cứ ra đây, bố ngồi đợi chỗ quán nước nhé.”

Cũng như anh Lý, chị Lê Thị Hiếu (Pháo Đài Láng, Đống Đa) cho hay, với những môn thi có thời gian dài như Văn, Toán nhiều bậc phụ huynh còn tranh thủ về nhà cơm nước, song với những môn trắc nghiệm thời gian ngắn, hầu hết phụ huynh nán đợi để đón con về ngay sau đó luôn. Quán nước giúp mọi người vừa có chỗ ngồi đợi, vừa trao đổi trong khi chờ đợi.

Với những chủ hàng quán thì đây chính là dịp “hành nghề” hiệu quả. Đến sớm từ khi chưa có sỹ tử nào, hai vợ chồng chị Huyền-anh Quốc hì hục căng tấm bạt sát bờ tường để bày biện chuẩn bị đón khách. Trước giờ thi, quán chị đã bắt đầu tấp nập người, thậm chí nhiều lúc chẳng đủ ghế để phục vụ khách, chị đành thiết kế thêm mấy viên gạch rồi kê lên tấm gỗ thành cái ghế dài để được nhiều người ngồi.

“Không chỉ có mỗi nhà mình, mà ngay cái dãy có bóng cây này, chỗ nào cũng thành hàng quán. Mở ra để phục vụ các phụ huynh và sỹ tử là chính,” chị Huyền vừa nói, vừa đon đả pha trà đón khách.

Những hàng nước mía, nước dừa cũng đông đúc không kém, đều là những thức uống giải nhiệt rất tốt nên được nhiều người ưa chuộng. Giá mỗi cốc nước mía từ 10.000-15.000 đồng/cốc; nước dừa từ 35.000-40.000 đồng/quả….

Ngoài trà đá, nước mía, nước dừa… những hàng kem trên xe đẩy cũng lăn bánh đến túc trực từ sáng sớm, các cô hàng xôi, bánh mì cũng tụm lại thành từng nhóm. Theo các em học sinh, những quán hàng di động này chỉ ngày thi mới thấy.

Chị Hoa, chủ hàng kem cho biết: “Tranh thủ nắng nóng trong những ngày thi để kiếm thêm chút thu nhập. Hàng nhà tôi toàn kem xịn nên các phụ huynh cứ yên tâm mua cho con em giải nhiệt.”

Mỗi que kem đều có giá từ 6.000-15.000 đồng, không chênh so với ngày thường là mấy nên nhiều phụ huynh đứng đợi cũng mua ăn, đặc biệt là gặp được tốp học sinh nào tan ra sớm ngồi đợi bạn, hàng nhà chị càng đắt  khách.

“Mỗi dịp thi này lượng hàng bán được gấp đôi, gấp ba ngày thường, nên hàng quán nào cũng tranh thủ kiếm thêm,” chị Hoa chia sẻ.

Dọc khu vực ngõ vào điểm thi trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân), các hàng nước cũng “mọc” thêm khá nhiều. Một chủ quán cho biết: “Nhà mặt ngõ nên tôi tận dụng bán vài ngày thi kiếm thêm đồng ra đồng vào. Phụ huynh vừa có chỗ nghỉ chân, người bán có thu nhập.”

Cũng theo bác chủ quán này, quán nước ngày thi không cần cầu kỳ, chỉ cần nhiều ghế để phụ huynh ngồi đợi con, không quá câu nệ chuyện bàn. Vì thế, ai cũng có thể mở hàng mà không cần đầu tư nhiều. Chỉ tay lên trời, bác cười bảo: “Năm nay trời đỡ oi bức hơn, phụ huynh đưa con về nhà nghỉ trưa nhiều, các năm trước tôi còn cho thuê chỗ nghỉ trưa, mỗi người dăm chục nghìn một buổi, cũng thu kha khá.”

Trong khi đó, cánh xe ôm cũng đắt khách không kém. Bác Nguyễn Văn Chiến (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn đồng từ việc đưa đón các học sinh. "Do thi trộn trường nên nhiều học sinh phải đi thi khá xa, lại lạ đường xá, đi xe đạp sợ không kịp giờ. Hôm qua là chủ nhật, phụ huynh còn được nghỉ làm đưa đón con, hôm nay là thứ hai, mọi người phải làm cả, xe ôm lại... được mùa," bác Chiến giải thích.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Đông, các dịch vụ mọc lên phục vụ thí sinh và phụ huynh là tất yếu. Tuy nhiên, các chủ quán cần đảm bảo trật tự trường thi, đồng thời, phụ huynh và học sinh cũng nên chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh ăn uống linh tinh, không đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng như kỳ thi./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục