Điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: 'Không phải là tăng giá điện'

Điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Không phải là tăng giá

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực khẳng định, việc cải tiến Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này sẽ giữ nguyên mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân được ban hành tại Quyết định 648/QĐ-BCT.
Điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Không phải là tăng giá ảnh 1Nhân viên ngành điện chốt chỉ số côngtơ của khách hàng. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ Công Thương mới đây đã đưa ra Dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định Cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg để trình Thủ tướng xem xét, quyết định, nhiều ý kiến cho rằng sắp tăng giá điện.

Trao đổi với báo chí chiều 28/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, việc nghiên cứu xây dựng Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc lần này nhằm điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng, hướng tới mục tiêu khuyến khích các hộ tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đồng thời đơn giản trong áp dụng nhằm bảo vệ cho đa số khách hàng chứ không phải tăng giá điện.

[Đề xuất luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Việt Nam]

- Xin ông cho biết lý do vì sao Bộ Công Thương lại đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo quy định Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới vào thời điểm này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên diễn đàn Quốc hội có nhiều khách hàng sử dụng điện và nhiều cử tri có ý kiến về Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Trên cơ sở ý kiến của các khách hàng này và về phía Bộ Công Thương cũng nhận được chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu xem xét đổi mới Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính Phủ yêu cầu trong tháng 3/2020 Bộ Công thương phải nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng xem xét Đề án cải tiến Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đó là lý do lần này Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân về Đề án cải tiến Cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 3/2020.

Điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện: Không phải là tăng giá ảnh 2Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đang trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Sau khi Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo này, đã có nhiều người cho rằng sẽ tăng giá bán lẻ điện, vậy thực tế là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc cải tiến Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này phải khẳng định là giữ nguyên mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được ban hành tại Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Vì vậy việc điều chỉnh Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này chỉ với mục đích là điều chỉnh lại cơ cấu cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng sử dụng điện trong thời gian hiện nay mà không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt đã được phê duyệt.

- Việc cải tiến Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này được thực hiện trên nguyên tắc nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nguyên tắc đầu tiên là việc thay đổi nhằm phù hợp với thực tế sử dụng điện. Tiếp đến là không làm thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt và cuối cùng là đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng theo dõi, tính toán sản lượng điện và mức tăng vào các mùa nắng nóng thì không tăng đột biến.

Trong Đề án cải tiến Cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này, Bộ Công Thương đưa ra 5 phương án; trong đó có phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc. Riêng phương án 5 bậc có 2 phương án.

So sánh giữa các phương án thì thấy cả 5 phương án đều có ưu điểm là đơn giản hơn, ít số bậc hơn so với Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành. Tuy nhiên các phương án với 1 bậc thang, 3 bậc thang hay 4 bậc thang thì đều có có nhược điểm chung là chi phí trả tiền điện của các khách hàng sử dụng điện dưới 300kWh đều cao hơn và như vậy sẽ không thực hiện được mục tiêu là Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Hơn nữa, cách tính này cũng sẽ tạo gánh nặng cho phần lớn các khách hàng sử dụng điện mà phía Cục tính toán hiện nay có khoảng trên 87% sử dụng điện dưới 300kW,  tương ứng với khoảng 21 triệu khách hàng sẽ phải trả tiền điện cao hơn.

- Phương án cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc được Bộ Công Thương lấy ý kiến:

- Thưa ông, các hộ tiêu dùng điện đang được hưởng chính sách hỗ trợ thông qua giá điện được quan tâm như thế nào - cụ thể với phương án 5 bậc mà Bộ Công Thương đưa ra và đề xuất lựa chọn ?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, Bộ Công Thương đang đề xuất lựa chọn là phương án 5 bậc vì theo đánh giá của Bộ Công Thương nó sẽ phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của khách hàng hiện nay. Mặt khác, việc các chế độ hộ nghèo, hộ chính sách sử dụng điện dưới 50 kWh được nhà nước hỗ trợ theo chế độ báo cáo hiện nay (hiện có khoảng 1,8 triệu hộ đang được hưởng hỗ trợ của Đảng và Nhà nước) sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ này, với số tiền theo báo cáo là khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Kế hoạch của Bộ Công Thương sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, các đơn vị thì Bộ Công Thương sẽ hoàn chỉnh các phương án này để Báo cáo Thủ Tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 28/QĐ-TTg về Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Sau khi Thủ tướng ban hành thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng quyết định mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Xin cảm ơn ông./.

Đối với phương án 5 bậc, Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang: Bậc 1 từ 0-100 kWh và giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi, gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục