Đồng Nai ưu tiên thu hút các dòng vốn FDI chọn lọc, chất lượng

Trong hơn 10 năm qua, nhờ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên Đồng Nai trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn cho ngành công nghiệp của cả nước và xuất khẩu.
Đồng Nai ưu tiên thu hút các dòng vốn FDI chọn lọc, chất lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực hoàn thiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị Quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo.

Trong những chỉ tiêu này, chỉ tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp và giao thông được đặc biệt quan tâm thực hiện để đón các dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả.

Kiện toàn hạ tầng đón đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai hiện đang là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về phát triển công nghiệp, với số lượng 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động với ngành, nghề đa dạng, phong phú.

Trong bối cảnh hội nhập, phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với điều kiện vị trí thuận lợi, có hệ thống cảng biển nhóm 5, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thiện trong tương lai gần, kề trung tâm đô thị lớn, không gian mặt bằng, cơ sở công nghiệp hiện có, nguồn lao động dồi dào, Đồng Nai luôn trong tư thế sẵn sàng đón sóng đầu tư FDI hiệu quả.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi có sân bay quốc tế trên địa bàn thì sức lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn. Do đó, Đồng Nai phải nghiên cứu tất cả những lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại để đưa vào quy hoạch, tạo nền tảng cho sự phát triển thực tế sau này.

[Đồng Nai tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hút dòng vốn ngoại]

Sau đó, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai từng nội dung một để đưa một vùng xung quanh sân bay phát triển đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế. Để làm được điều này, vấn đề kết nối hạ tầng đóng vai trò quyết định.

Thêm vào đó, cũng tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai diễn ra mới đây, tỉnh Đồng Nai đã xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là cực tăng trưởng mới, Đồng Nai đang hoàn thiện các quy hoạch trên địa bàn với mục tiêu có được một quy hoạch đồng bộ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển.

Do đó, với việc xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là cực tăng trưởng mới, Đồng Nai đang xem xét kỹ các tiềm năng, lợi thế của khu vực này để đưa vào quy hoạch phát triển.

Riêng đối với huyện Long Thành, quy hoạch phát triển vùng huyện Long Thành hiện nay đang được đơn vị tư vấn hoàn thiện để trình phê duyệt. Đối với huyện Nhơn Trạch, hiện nay tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các phân khu theo quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, tỉnh đã hoàn thiện hầm chui Tân Phong từ 2 năm trước. Gần đây, tuyến đường nối vào cảng Phước An (đoạn từ đường ĐT 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành) cũng được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đây là tuyến đường khơi thông cho lượng hàng hoá của các khu công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch đến các địa phương khác và xuất khẩu thuận lợi.

Tỉnh Đồng Nai xác định, trong 5 năm tới, việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ưu tiên các dòng vốn chất lượng

Kiện toàn hạ tầng cơ sở chỉ mới là bước đầu trong chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai. Để có thể phát huy hết hiệu quả của hệ thống quản lý và kết cấu hạ tầng này, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển vượt bậc như mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai đã xác định lựa chọn những dòng vốn chất lượng trong thu hút đầu tư.

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dòng vốn FDI chọn lọc, chất lượng ảnh 2Một nhà máy ở Đồng Nai. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư FDI vì có lợi thế về hạ tầng giao thông, khí hậu, đất đai.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp thì Đồng Nai còn nhiều tiềm năng trên lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp chưa được khai thác.

Từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên nhập khẩu các loại máy móc mới hiện đại về để sản xuất, thay đổi dây chuyền sản xuất công nghệ cũ.

Mục tiêu là để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu cho hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường lớn có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc.

Theo đó, chuyển dịch cơ cấu theo ngành, theo thành phần và theo địa bàn diễn ra tích cực, đúng hướng. Giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao được nâng từ 1% vào năm 2015 lên hơn 5% vào năm 2020.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, hơn 10 năm qua, Đồng Nai thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên kinh tế dịch chuyển đúng hướng theo Nghị quyết đề ra; trong đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ nên Đồng Nai trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn cho ngành công nghiệp của cả nước và xuất khẩu. Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc sớm nên tỉnh cũng là nơi đi đầu về xuất siêu, và xuất siêu mỗi năm đều tăng.

Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu cung ứng trong nước đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã có ký kết hiệp định thương mại tự do.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư FDI vào nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ có sự lựa chọn kỹ hơn. Mục tiêu hướng đến của tỉnh là phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng thu ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục