Ngày 18/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố sẽ không đồng ý với bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào về những thay đổi trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm giữ Anh ở lại EU, đồng thời kêu gọi một sự "thỏa hiệp hợp lý" với những yêu cầu cải cách của London.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau khi hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Tusk nói: "Việc Anh ở lại EU có lợi cho cả nước này và Ba Lan. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm ra một sự thỏa hiệp hợp lý mà không làm phương hại đến các quyền tự do cơ bản. Sẽ không có chỗ cho bất cứ sự phân biệt đối xử nào."
Về phần mình, Tổng thống Duda cũng lên tiếng hối thúc giới chức EU cần tìm kiếm một "sự thỏa hiệp thận trọng" để giữ Anh ở lại liên minh này, song vẫn đảm bảo "không hủy hoại các quyền tự do cơ bản trong EU."
Nhà lãnh đạo Ba Lan đồng thời cảnh báo nguy cơ EU sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn và thậm chí có thể "sụp đổ" nếu viễn cảnh "Brexit" (nước Anh rời EU) xảy ra.
Những phát biểu trên của Chủ tịch EC và Tổng thống Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Anh David Cameron đang cố gắng đạt được một thỏa thuận với EU về cải cách liên minh này theo 4 điểm mà London đề ra trước khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân nhằm quyết định việc tiếp tục ở lại hay rời khỏi EU.
Một trong những điểm được cho là khó đạt sự đồng thuận nhất chính là yêu cầu của London "đóng băng" các khoản phúc lợi ngoài lương đối với công dân EU nhập cư cho đến khi họ đã có 4 năm làm việc tại Anh.
Các yêu cầu còn lại là cơ chế bảo vệ cho các nước thành viên EU không nằm trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Anh sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết về "liên minh chặt chẽ hơn" được đặt ra trong hiệp ước của EU và tăng quyền cho các nghị viện quốc gia trong việc ngăn chặn các đạo luật của EU.
Liên quan các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai bên, báo giới Anh trước đó một ngày đưa tin Thủ tướng Cameron hy vọng EU sẽ đồng ý coi Anh là "thành viên cấp hai" (một dạng thành viên trong vòng ngoài của EU) và có thể áp dụng "phanh hãm khẩn cấp" trong vấn đề người nhập cư EU vào Anh nhằm giúp chính phủ ngăn chặn số người nhập cư mới nếu các dịch vụ công trở nên quá tải.
Hôm 15/1, báo The Guardian của Anh đưa tin các nhà lãnh đạo EU có thể triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bổ sung vào cuối tháng Hai tới để hoàn tất thỏa thuận liên quan đến đề xuất cải cách EU của Thủ tướng Anh, dọn đường cho London tiến hành cuộc trưng cầu ý dân ngay trong tháng Sáu năm nay về việc nước Anh sẽ ra đi hay ở lại EU.
Trong khi đó, khảo sát mới của tổ chức Survation đăng trên tờ The Mail cuối tuần vừa rồi cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ "Brexit" tiếp tục gia tăng, với 42%, trong khi 38% ủng hộ ở lại và 20% chưa quyết định về lựa chọn của mình./.