Ethiopia đổ thêm dầu vào cuộc tranh cãi về sông Nile

Ethiopia đã phê chuẩn hiệp định cho phép các nước thượng nguồn sông Nile triển khai dự án tưới tiêu không cần sự cho phép của Ai Cập.
Quốc hội Ethiopia ngày 13/6 đã phê chuẩn Hiệp định khung hợp tác (CFA) nhằm thay thế các thỏa thuận có từ thời thuộc địa cho phép Ai Cập và Sudan kiểm soát hầu như toàn bộ nguồn nước sông Nile.

CFA cho phép các nước thượng nguồn sông Nile, trong đó có Ethiopia, triển khai các dự án tưới tiêu và thủy điện mà không cần có sự phê chuẩn của Ai Cập.

Động thái này được cho là "đổ thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rất căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi tiến hành chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh (Blue Nile) - một trong hai nhánh chính của sông Nile, để thực hiện dự án đập thủy điện "Đại phục hưng Ethiopia".

[AU kêu gọi đối thoại về tranh chấp nước sông Nile]


Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Ethiopia Shimeles Kemal cho rằng hiệp định nói trên sẽ thay thế cho các thỏa thuận "không công bằng" vào năm 1929 và 1959, theo đó cho phép hai nước hạ lưu là Ai Cập và Sudan chia nhau phần lớn nguồn nước sông Nile.

Ông Kemal cho biết Ethiopia không bao giờ coi hai thỏa thuận nói trên là các thỏa thuận mang tính ràng buộc và chưa bao giờ là một bên ký kết các văn bản này, đồng thời khẳng định CFA là phản ứng đối với sự áp đặt bất công thời thuộc địa đối với các nước thượng nguồn.

Ai Cập và Sudan từ chối ký kết CFA. Trong khi đó, ngoài Ethiopia, hiện hiệp định này đã được quốc hội năm nước lưu vực sông Nile phê chuẩn, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda. Ngoài ra, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan hiện đang có ý định tham gia hiệp định này.

Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này.

Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép hai quốc gia này khai thác hơn 90% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm. Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng họ không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận trên và do vậy không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục