Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cho biết, năm nay, Tổng công ty tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, với tổng vốn 21.237 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái để hoàn thành và đưa vào vận hành 63 dự án, khởi công 42 dự án.
Theo EVN NPT, năm 2016, Tổng công ty đã hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước đến nay với 19.944 tỷ đồng, đạt 101,4% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao.
Giải ngân cũng đạt mức cao, 18.973 tỷ đồng, đạt 95,1% khối lượng thực hiện. Các công trình trọng điểm, cấp bách đã được đưa vào vận hành kịp thời.
Với nguồn vốn trên, trong năm 2016, EVN NPT đã phê duyệt 83 Báo cáo nghiên cứu khả thi, 49 thiết kế kỹ thuật; đồng thời trình EVN và Bộ Công Thương xem xét 20 Báo cáo nghiên cứu khả thi và 5 thiết kế kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Tổng công lựa chọn nhà thầu cho 804 gói thầu các loại, với tổng giá trị gói thầu khoảng 9.086 tỷ đồng.
Trong năm qua, Tổng công ty đã khởi công xây dựng được 44 công trình, gồm 8 công trình 500kV và 36 công trình 220kV.
Trong số đó có nhiều dự án quan trọng như các trạm biến áp (TBA) 500kV Việt Trì, Tây Hà Nội; nâng công suất các TBA 500kV Tân Định, Thường Tín; các đường dây 500kV Mỹ Tho- Đức Hòa, đấu nối nhiệt điện Thăng Long, đấu nối nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đấu nối nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; các TBA 220kV Phú Thọ, Lưu Xá, Đắk Nông, Nông Cống, Phù Mỹ, Phong Điền, Bến Cát; các dự án đường dây 220kV mạch 2 Đồng Hới-Đông Hà, Đông Hà-Huế...
Bên cạnh đó, EVN NPT còn hoàn thành đóng điện 56 công trình từ 220-500kV; trong đó có các công trình có vai trò hết sức quan trọng như các dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện miền Nam.
Đó là các TBA 500kV Pleiku 2, Mỹ Tho; các TBA 220kV Hàm Tân, Mỹ Xuân, Vũng Tàu; các đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới, Cầu Bông-Hóc Môn rẽ Bình Tân, Phan Thiết-Phú Mỹ 2, Phú Lâm-Long An, Bình Hòa-Thuận An.
Các dự án đấu nối, giải toả công suất nguồn điện như các đường dây 500kV Duyên Hải- Mỹ Tho, đấu nối nhiệt điện Vĩnh Tân 4, các đường dây 220kV Xekaman 1-Pleiku 2, đấu nối thủy điện Trung Sơn...
Cùng với việc hoàn thành các công trình lưới điện quan trọng đảm bảo cấp điện thành phố Hà Nội và khu kinh tế trọng điểm miền Bắc như TBA 500kV Phố Nối, nâng công suất trạm 500kV Thường Tín và các TBA 220kV, EVN NPT còn hoàn thành đóng điện các dự án nâng công suất các máy biến áp 220kV và 110kV giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương như Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Yên, Huế, Đà Nẵng, Bến Tre và Sóc Trăng.
Ngoài ra, các dự án quan trọng khác như các TBA 500kV Lai Châu, Việt Trì, Đức Hòa, Tân Uyên, máy 2 Phố Nối, máy 2 Cầu Bông; các đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, Long Phú-Ô Môn, Sông Mây-Tân Uyên, Vĩnh Tân rẽ Sông Mây-Tân Uyên, Mỹ Tho-Đức Hòa, Sông Hậu-Đức Hòa... đang được khẩn trương triển khai thực hiện để đưa vào vận hành trong năm nay và các năm tiếp theo đúng tiến độ.
Có được kết quả này theo ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT là do Tổng công ty đã giao kế hoạch sớm cho các đơn vị từ cuối năm trước để họ chủ động thực hiện ngay từ đầu năm và đây cũng là giải pháp đẩy nhanh tiến độ.
Đánh giá của ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của EVN NPT hồi đầu tuần này cũng cho thấy với khối lượng đầu tư xây dựng và các dự án khởi công, hoàn thành đồ sộ trong năm 2016 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị.
Qua đó góp phần không nhỏ cùng EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam cũng như cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng theo chỉ đạo của Tập đoàn.
Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVN NPT cho hay đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn với lợi nhuận đạt 342 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao, hệ số bảo toàn vốn đạt 1,067 lần, khả năng thanh toán ngắn hạn đạt 1,31 lần và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 2,77 lần.
Mặt khác, theo ông Lẫm, Tổng công ty và các đơn vị cũng đã nghiêm túc thực hiện các chỉ tiêu về tối ưu hóa chi phí trong đầu tư xây dựng.
Nhờ vậy, trong năm 2016, Tổng công ty đã tối ưu hóa chi phí và tiết kiệm trong đầu tư xây dựng đạt giá trị 2.167 tỷ đồng; trong đó 926,4 triệu đồng chiết giảm giá trị các gói thầu chỉ định thầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 7,74 tỷ đồng chiết giảm giá trị đối với các gói thầu chỉ định thầu trong giai đoạn thực hiện đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT cho biết Tổng công ty cũng đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lựa chọn nhà thầu như: tăng cường đánh giá uy tín của nhà thầu, quản lý chặt chẽ khâu thực hiện hợp đồng của các nhà thầu, áp dụng các hình thức cảnh cáo, phạt, cấm tham gia đấu thầu đối với các nhà thầu: vi phạm tiến độ, chất lượng theo hợp đồng, tổ chức chuyển nhượng thầu trái quy định, có các hành vi gian lận trong đấu thầu....
“Riêng năm 2016 các đơn vị trong Tổng công ty đều có các văn bản cảnh cáo nhà thầu với tổng số 41 văn bản cảnh cáo; trong đó nhiều nhất là Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) có 17 văn bản cảnh cáo.
Có 4 nhà thầu bị cảnh cáo từ 3 lần trở lên, bị cấm đấu thầu như Công ty Cổ phần Tin học Việt Nam (Viettronics), Alstom Grid Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Siemens Việt Nam và Công ty hợp danh vận tải thủy bộ,” ông Tường cho biết.
Đáng chú ý, việc quyết toán được EVN NPT tiến hành thường xuyên và liên tục nên trong năm 2016, toàn Tổng công ty đã hoàn thành quyết toán 100/99 dự án, đạt 101% kế hoạch, đảm bảo thời gian quy định của Bộ Tài chính, với tổng giá trị phê duyệt khoảng 15.994 tỷ đồng, không để tình trạng dự án quá thời hạn phê duyệt quyết toán theo quy định.
Theo ông Đặng Phan Tường, năm 2016, EVN NPT đã tổ chức rà soát, sửa đổi, ban hành các quy định về giám sát thi công, nghiệm thu các công trình truyền tải điện.
Đồng thời phổ biến, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc, các công ty tư vấn xây dựng điện, Viện Năng lượng, các công ty xây lắp điện, các công ty cung cấp cấu kiện thép và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện nhằm nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty .
Ngoài ra, n hằm đảm bảo tiến độ các dự án, EVN NPT cũng rà soát Quy hoạch điện VII điều chỉnh và giao nhiệm vụ quản lý các dự án đầu tư xây dựng có tiến độ hoàn thành đến năm 2020 để các đơn vị chủ động triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Mặc dù vậy, EVN NPT cũng nhận thấy rằng t heo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi và Luật Đầu tư công thủ tục trình tự và thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài, đặc biệt đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án của Tổng công ty.
Đánh giá của EVN NPT cũng cho thấy, trong khi chất lượng công tác tư vấn vẫn còn hạn chế thì chất lượng từ khâu khảo sát đến khâu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công chưa cao nên vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần.
Mặt khác, khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã gây ảnh hưởng đến tiến độ một số dự án của Tổng công ty như đường dây 500/220kV Hiệp Hòa-Đông Anh-Bắc Ninh 2, các đường dây 220kV Bảo Thắng-Yên Bái, Phan Thiết-Phú Mỹ 2, Hòa Bình-Tây Hà Nội...
Mặc dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, EVN NPT đã hết sức khẩn trương thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, chuẩn bị đầu tư để có thể sớm khởi công các dự án đường dây 500kV (mạch 3) Vũng Áng-Quảng Trạch, Quảng Trạch-Dốc Sỏi, Dốc Sỏi-Pleiku 2 nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho miền Nam trong những năm tới./.