Facebook và YouTube gỡ bỏ video thiếu căn cứ về dịch COVID-19

Các nền tảng mạng xã hội Facebook và Youtube cho biết đang tiến hành gỡ bỏ một video đưa ra các tuyên bố không có căn cứ về y tế liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Facebook và YouTube gỡ bỏ video thiếu căn cứ về dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: teletrader.com)

Ngày 7/5, các nền tảng mạng xã hội Facebook và Youtube cho biết đang tiến hành gỡ bỏ một video đưa ra các tuyên bố không có căn cứ về y tế liên quan đến virus SARS-CoV-2.

Đoạn video dài 26 phút có tên là "Plandemic" đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội trong tuần này.

Tác giả của video trên là Judy Mikovits, một nhà hoạt động phản đối việc tiêm phòng vaccine. Mikovits nói rằng việc đeo khẩu trang làm lây lan virus trong cộng đồng, song không đưa ra bất cứ bằng chứng nào, đồng thời chỉ trích lệnh cấm tụ tập tại các bãi biển.

Nhà hoạt động này cũng miêu tả SARS-CoV-2 là âm mưu của những người đang cố gắng hưởng lợi từ vaccine và tăng mối quan tâm của mọi người về vaccine.

Mikovits cũng tung một tin không có bằng chứng xác thực khi nói rằng bất cứ ai đã từng tiêm vaccine phòng cúm đều có virus corona trong cơ thể.

[Facebook cấm các quảng cáo y tế sai lệch về virus SARS-CoV-2]

Trong một thông báo lý do gỡ đoạn băng trên, Facebook cho biết: "Việc cho rằng đeo khẩu trang khiến mọi người nhiễm virus có thể gây tác hại, vì vậy chúng tôi đang gỡ bỏ đoạn video này."

Cùng ngày, YouTube cũng cho biết đang tiến hành gỡ bỏ video nói trên ra khỏi hệ thống của mình, viện dẫn các điều khoản chống "các nội dung về lời khuyên không có căn cứ y tế" liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 7/5, một đoạn video với nội dung rút gọn so với đoạn phim gốc vẫn xuất hiện trên YouTube. Về phần mình, mạng xã hội Twitter cho biết đã khóa các từ khóa liên quan đến "Plandemic."

Các mạng xã hội trên đang phải đối mặt với áp lực từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y tế khác trên toàn cầu liên quan đến việc kiểm soát các nội dung độc hại và thông tin giả về đại dịch COVID-19.

Dù các mạng xã hội này đã cử riêng một bộ phận chuyên trách để giải quyết tình trạng trên nhưng không ít tin giả vẫn tiếp tục lan truyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục