FAO cam kết tiếp nối việc thực hiện Chương trình nghị sự vì nước

Hiện nay, có 2,3 tỷ người đang sinh sống tại các quốc gia nơi nguồn nước còn hạn chế, trong đó hơn 733 triệu người sống ở các quốc gia có tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
FAO cam kết tiếp nối việc thực hiện Chương trình nghị sự vì nước ảnh 1Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu. (Nguồn: Xinhua)

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã tái khẳng định cam kết chủ động tiếp nối các hành động đã được thống nhất trong Chương trình nghị sự về nước vừa được thông qua mới đây tại Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023.

Phát biểu khi điều hành phiên đối thoại cấp cao tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nêu rõ: "Tại thời điểm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, tất cả các ngành phải hợp tác cùng nhau một cách hiệu quả và chặt chẽ để cùng sáng tạo, đồng thiết kế và đồng vận động cho các giải pháp, đồng thời đẩy nhanh hành động về dữ liệu và thông tin, đổi mới, tài chính, phát triển năng lực và quản trị để thực hiện Thập kỷ hành động vì nước."

[Bế mạc Hội nghị Nước LHQ 2023, thông qua Chương trình nghị sự về nước]

Cuộc họp do Tổng Giám đốc FAO chủ trì nhằm mục đích đánh giá tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu trong "Thập kỷ hành động vì nước" (2018-2028) theo kế hoạch của Tổng Thư ký Liên hợp quốc xây dựng. Hơn 20 nước thành viên cũng đã đưa ra các tuyên bố quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với sự phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Theo đánh giá của ông Qu Dongyu, Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 đã mang đến những cơ hội tuyệt vời để các nước cùng thảo luận, hợp tác và cùng nhau xác định các giải pháp để hành động hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu liên quan đến nước theo Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh hội nghị là lời kêu gọi hành động đối với mỗi người trên hành tinh nhằm đẩy nhanh sự thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh trên toàn thế giới.

Hiện nay, có 2,3 tỷ người đang sinh sống tại các quốc gia nơi nguồn nước còn hạn chế, trong đó hơn 733 triệu người - xấp xỉ 10% dân số toàn cầu - sống ở các quốc gia có tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Khan hiếm nước, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm và các tác động khác của cuộc khủng hoảng đang là những thách thức chính đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.

Trong Hội nghị Nước kéo dài 3 ngày, FAO đã hỗ trợ 2 phiên đối thoại tương tác cấp cao, tổ chức một sự kiện bên lề về lộ trình nước quốc gia, đồng thời hợp tác với 3 sự kiện đặc biệt và hơn 20 sự kiện bên lề.

FAO cũng đã tham gia vào 7 cam kết trong khuôn khổ Chương trình nghị sự về nước, bao gồm sáng kiến về Lộ trình nước quốc gia hướng tới Chương trình nghị sự 2030, một công cụ thúc đẩy hành động tập thể ở cấp quốc gia nhằm cải thiện sự phối hợp liên ngành về điều hành và quản lý nước để hỗ trợ thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững.

Nước là yếu tố vô cùng cần thiết cho sản xuất lương thực, cho phép sản xuất hơn 95% lương thực trên đất liền.

Đến năm 2050, để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, sản lượng lương thực, chất xơ và thức ăn chăn nuôi toàn cầu sẽ cần tăng 50% so với năm 2012.

Thông cáo báo chí của FAO nhấn mạnh để đạt được mục tiêu này, cần bổ sung thêm 35% nguồn nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục