Giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần: Sẽ gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Trước đề xuất quy định giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, đại diện doanh nghiệp đã đưa ra những ý kiến, lý lẽ phản bác gay gắt.
 Giảm giờ làm việc tiêu chuẩn sẽ khiến doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Giảm giờ làm việc tiêu chuẩn sẽ khiến doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ngày 16/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số hiệp hội doanh nghiệp về góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Tuần làm việc bao nhiều giờ là hợp lý?

Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động đã phản bác lại đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ không quá 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.

Theo quy định hiện hành, người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo tuần nhưng không quá 48 giờ/tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất quy định giảm giờ làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần để người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

[Tổ chức công đoàn đề nghị giảm giờ làm việc, thêm ngày nghỉ lễ]

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, qua tham khảo pháp luật của các nước có thể thấy quy định thời giờ làm việc trong khoảng 40-44 giờ/tuần đa phần đều thuộc về các quốc gia phát triển. Còn tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần của các quốc gia đang phát triển và đang cạnh tranh lao động gay gắt với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào... đều là 48 giờ/tuần. Hiện nay, Việt Nam là một trong nhóm các quốc gia đang phát triển nên VCCI cho rằng quy định 48 giờ/tuần là hoàn toàn phù hợp.

Kết quả nghiên cứu về thời gian làm việc của 18 quốc gia gồm các nước tại ASEAN và một số nước thuộc khu vực châu Á có điều kiện tương tự Việt Nam cho thấy, có 6 nước quy định dưới 48 giờ/tuần, 1 nước trên 48 giờ là Hàn Quốc (52 giờ), 11 nước có thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần.

Giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần: Sẽ gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp ảnh 1

“Với quy định thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu thời gian làm việc bị cắt giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doan nghiệp Việt Nam,” bà Trần Thị Lan Anh nói.

Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc giảm giờ làm việc trong bối cảnh Việt Nam như hiện nay sẽ làm gia tăng gánh nặng khó khăn cho họ. Chi phí cho sản xuất và nhân công sẽ tăng, kéo theo giá thành xuất xưởng của sản phẩm sẽ tăng. Doanh nghiệp nội địa sẽ dần dần không còn đơn đặt hàng nào dẫn tới phải đóng cửa, giải thể. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động sẽ không có lợi đối với quy định này.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, hiện nay ngành da giày đang sử dụng 1,5 triệu lao động và việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm việc thì doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc với chi phí lớn.

Giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần: Sẽ gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp ảnh 2Bà Phan Thị Thanh Xuân phát biểu ý kiến về đề xuất giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

“Áp dụng giờ làm việc 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp da giày sẽ phải tuyển dụng thêm 10% lao động, trong khi đó lao động trong ngành này đang rất thiếu hụt. Hiện nay, trong thực tế các nhà máy da giày đang phải sử dụng cả lao động 50 tuổi do không thể tuyển dụng được,” bà Xuân nói.

Theo bà Xuân, với quy định thời gian làm việc như hiện hành là 48 giờ/tuần nhưng sức khoẻ, tuổi thọ của người lao động vẫn đang tăng lên. Nếu giảm giờ làm thì sẽ làm giảm thu nhập cho người lao động. Trong bối cảnh tiền lương còn thấp, bà Xuân đặt ra câu hỏi, nếu giảm giờ làm việc thì liệu người lao động có dành thời gian đó để tái tạo sức lao động? Hay sẽ làm thêm như chạy Grab, làm giúp việc... để có thêm thu nhập.

Cũng đặt vấn đề rút ngắn thời gian làm việc là chưa phù hợp, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó tuyển lao động, bên cạnh đó, tiền lương từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần, Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề... xuất khẩu đang gặp khó khăn để cạnh tranh với các nước khác. Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ/tuần thì rất có thể các đơn hàng sẽ chuyển sang các nước khác.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, với một đất nước đang phát triển dựa vào nhiều ngành công nghiệp như Việt Nam thì phải giữ được sức cạnh tranh về lao động, duy trì thời gian làm việc của người lao động như quy định hiện nay, chưa phải là lúc để giảm thời gian làm việc. So với 15 đối thủ cạnh tranh găy gắt với chúng ta trong khu vực về đẩy mạnh xuất khẩu thì phần lớn các nước đang phải duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần.

Lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ không đưa đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống dưới 44 giờ/tuần vào dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 48 giờ/tuần./.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói về đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục