Ngày 12/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giáo dục quyền con người ở Việt Nam: Những cơ hội và thách thức” với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Canada, Đan Mạch, Na Uy, Thái Lan, Thụy Sĩ và Việt Nam.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Hà Nội, cho biết trong khuôn khổ hợp tác, Đan Mạch đã hỗ trợ nghiên cứu về giáo dục quyền con người cho ba đơn vị nghiên cứu, giáo dục của Việt Nam. Giáo dục quyền con người là cốt lõi của việc thúc đẩy và thực thi quyền con người. Thông qua giáo dục quyền con người để tăng cường nhận thức cho bản thân và những người khác, thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Những nghiên cứu tốt cung cấp thông tin cho sinh viên, tổ chức xã hội dân sự cũng như các cơ quan, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, giáo dục ở Việt Nam.
Chương trình và nội dung đào tạo về quyền con người đã được tăng cường, xây dựng chương trình, khóa học mới thu hút được nhiều sinh viên lựa chọn. Quyền con người đã trở thành môn học bắt buộc đối với sinh viên ngành luật. Tuy vậy, Việt Nam cần có hướng đi mới khi sự hỗ trợ về tài chính của các tổ chức quốc tế giảm.
Theo giáo sư-tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong thời gian qua những vấn đề về nghiên cứu, giáo dục đào tạo quyền con người ở Việt Nam đã từng bước khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc đã chứng minh điều đó. Từ chưa có nội dung đào tạo ở các trường đại học, nay Việt Nam đã có hệ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành này. Từ chưa có nội dung trong Hiến pháp, Hiến pháp mới nhất năm 2013 đã có chương 2 dành cho vấn đề quyền con người.
Hội thảo lần này là diễn đàn mở để các học giả, nhà sư phạm cùng trao đổi, tổng kết về những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong nghiên cứu và giáo dục quyền con người, cũng như làm rõ những cơ hội và thách thức trong giai đoạn tiếp theo. Các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận bốn chủ đề về hiện trạng nghiên cứu và giáo dục quyền con người tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đổi mới; tác động xã hội của nghiên cứu và giáo dục quyền con người, những cơ hội và thách thức cũng như chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về phương diện này. Hiện nay, cơ hội và thách thức thể hiện ở tính phổ biến về quyền con người trên phạm vi toàn thế giới.
Việt Nam có nhiều trung tâm quyền con người ở các cơ sở nghiên cứu, giáo dục. Giữa các trường và đơn vị nghiên cứu và giảng dạy đã có những quan tâm chung về các vấn đề quyền con người, tạo thuận lợi cho các hợp tác trong những dự án liên kết nghiên cứu, trao đổi giảng viên, sử dụng các tài liệu nghiên cứu và giảng dạy để làm giàu thêm kho tài liệu tham khảo cho giảng viên, sinh viên. Tuy nhiên, giảng viên sử dụng tài liệu tiếng Anh là chủ yếu gây khó khăn vì học viên còn hạn chế tiếng Anh. Một số văn bản pháp lý về quyền con người tuy có dịch ra tiếng Việt nhưng nếu người đọc nghiên cứu được bản gốc tiếng Anh vẫn tốt hơn, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Giáo sư-tiến sỹ Martina Caroni (Trường Luật, Đại học Lucerne, Thụy Sĩ) đề xuất các trường đại học ở Việt Nam có thể giới thiệu về các lớp học luật quyền con người cụ thể, bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hay các định dạng giảng dạy thay thế. Nếu các nhà nghiên cứu và sinh viên có thể giảng dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh hoặc Pháp, họ sẽ có được vị trí trong cuộc trao đổi khoa học quốc tế và trở thành một phần của cộng đồng khoa học quốc tế.
Các định dạng giảng dạy mới và thay thế nên được giới thiệu trong các trường Luật, tập trung không chỉ vào việc truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn tập cho họ làm quen với nghiên cứu, viết bài và thuyết trình về các vấn đề quyền con người, từ đó trang bị cho họ tham gia trên các đấu trường quốc tế./.