Giáo hoàng Francis ra lệnh bãi nhiệm chỉ huy Đội cận vệ Thụy Sĩ

Giáo hoàng Francis đã ra lệnh miễn nhiệm chỉ huy quân đội của riêng ông, Đội cận vệ Thụy Sĩ do cảm thấy cách lãnh đạo của vị chỉ huy này "quá cứng nhắc."
Giáo hoàng Francis ra lệnh bãi nhiệm chỉ huy Đội cận vệ Thụy Sĩ ảnh 1Chỉ huy Daniel Anrig tại một buổi lễ ở Vatican. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Giáo hoàng Francis đã ra lệnh miễn nhiệm chỉ huy quân đội của riêng ông, Đội cận vệ Thụy Sĩ, do cảm thấy cách lãnh đạo của vị chỉ huy này "quá cứng nhắc."

Một dòng thông báo bình thản trên tờ báo chính thức của Vatican, L’Osservatore Romano, số ra hôm thứ Tư vừa rồi, cho biết Chỉ huy Daniel Anrig sẽ không còn giữ vị trí chỉ huy đội quân đã có truyền thống 500 năm vào cuối tháng sau.

Không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra cho quyết định này, tuy nhiên có lời đồn rằng vị Giáo hoàng người Argentina, người đã mang đến phong cách lãnh đạo ấm áp và rộng mở từ khi nhậm chức hồi tháng 3/2013 cảm thấy cách hành xử của vị chỉ huy là quá cứng nhắc và "có tính Giéc-manh."

Theo báo giới, một buổi sáng gần đây Giáo hoàng đã thức dậy trong phòng riêng của mình và nhìn thấy một cận vệ Thụy Sĩ đứng gác cả đêm.

"Ngồi xuống đi," ông nói với người cận vệ trẻ tuổi. Anh ta đáp lại: "Không được ạ, như vậy là làm trái mệnh lệnh."

Giáo hoàng nói: "Ta là người ra mệnh lệnh ở đây," rồi liền đi ra ngoài gọi một cốc càphê cappucino cho người cận vệ mệt mỏi.

Hồi tháng 10, nhiều nhiếp ảnh gia đã chụp được cảnh Giáo hoàng Francis bắt tay với một thành viên của Đội cận vệ, xóa đi sự lạnh nhạt và xa cách đã tồn tại hàng trăm năm giữa các đời Giáo hoàng và Đội cận vệ Thụy Sĩ.

Theo nhật báo Il Messagero của Rome, Giáo hoàng Francis, người có biệt danh là "Giáo hoàng của Nhân dân," muốn Đội cận vệ bớt cứng nhắc hơn với các quy tắc của họ, thậm chí là "bớt tính quân sự." Điều này phù hợp với việc Giáo hoàng không thích bị bảo vệ quá mức.

 

Trong các chuyến đi ra nước ngoài, bao gồm chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần vừa qua, Giáo hoàng đã yêu cầu được di chuyển trong một chiếc xe hơi đuôi cong giản dị thay vì một chiếc limousine sáng bóng bọc sắt. Giáo hoàng cũng tỏ ra bực mình vì không được tự do di chuyển do Đội cận vệ Thụy Sĩ và đội Hiến binh Vatican luôn theo sát.

Chỉ huy Anrig đã nhậm chức được 5 năm, nhưng sau đó đã được Giáo hoàng Francis kéo dài nhiệm kỳ làm việc. Thời gian này có thể sẽ còn được kéo dài hơn, nhưng Giáo hoàng đã quyết định không làm như vậy. Dư luận cho rằng phó chỉ huy Christoph Graf với phong cách gần gũi như một người cha sẽ thay thế ông Anrig.

Đội Cận vệ Thụy Sĩ được Giáo hoàng Julius II thành lập năm 1506, với vai trò một đơn vị chiến đấu. Lực lượng nhỏ bé chỉ bao gồm 110 sỹ quan và cận vệ này chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican nói chung. Họ đứng gác ngoài tòa thánh mỗi ngày, mặc đồng phục kẻ sọc màu xanh dương, đỏ và vàng kim, và mang kích bên người, loại vũ khí truyền thống.

Sự tham gia vào quân đội đáng chú ý nhất của Đội Cận vệ Thụy Sĩ là vào năm 1527, khi 190 cận vệ đã hy sinh khi chiến đấu với quân đội của Đế quốc La Mã Thần thánh trong trận cướp phá thành Rome, giúp cho Giáo hoàng Clement VII chạy thoát an toàn qua một đường hầm bí mật xây bằng đá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục