Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý tình huống mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ nên việc ùn tắc tại các trạm thu phí, giá chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đã được kịp thời giải tỏa thông suốt.
Nhiều trạm đã chủ động không thu phí trong một số ngày nên đã tránh được ùn tắc giao thông tại các địa điểm trên.
Trạm cầu Rác (tuyến tránh Hà Tĩnh) không thu phí mùng 1 Tết và thu trở lại vào 6 giờ sáng mùng 2 Tết.
Tại các trạm BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng, Bình Thuận, BOT Bạc Liêu, nhà đầu tư chủ động mở trạm không thu giá từ 22 giờ ngày 15/2 đến 22 giờ ngày 17/2 nên không xảy ra ùn tắc giao thông.
[Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Quốc lộ 60 và cầu Rạch Miễu]
Từ 22 giờ ngày 17/2 đến nay, các trạm thực hiện thu giá trở lại, tình hình giao thông bình thường không xảy ra ùn tắc.
Ùn tắc nghiêm trọng nhất là trạm cầu Rạch Miễu (quốc lộ 60). Trong những ngày trước Tết, trạm này nhiều lần phải xả trạm vào các ngày từ 9/2-11/2 và 17/2 và 19/2.
Ngày 19/2 (mùng 4 Tết), tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ bị ùn tắc tại các nút Pháp Vân, Liêm Tuyền (chủ yếu là nút Pháp Vân) hướng Hà Nam-Hà Nội.
Các trạm thu giá trên tuyến này đã có các biện pháp hướng dẫn, phân luồng, phân làn, tăng số lượng nhân viên phục vụ, bảo đảm thu phí bình thường.
Trạm thu phí T3, quốc lộ 51 xảy ra ùn tắc hơn 3km vào ngày 19/2 nên phải xả trạm từ 12 giờ 15 đến 14 giờ 10.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã ra chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, liên tục các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, đặc biệt là phối hợp với Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
Bảo đảm an ninh trật tự tại trạm thu giá số 2 Quốc lộ 5, đồng thời phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tasco Hải Phòng bảo đảm an ninh trật tự tại trạm thu giá dịch vụ trên Quốc lộ 10 (dự kiến sẽ triển khai thu trong năm 2018).
Công an thành phố nắm tình hình, chủ động xây dựng, triển khai phương án, lực lượng, phương tiện phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là tại các trạm thu giá dịch vụ BOT trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối trật tự nơi công cộng, chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với công an thành phố rà soát, cắm biển báo giao thông, phân luồng, phân làn trên các tuyến đường hợp lý bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố về cơ sở pháp lý, hoạt động tuân thủ pháp luật của các dự án BOT trên địa bàn.
Tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thời gian qua đã không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Tuy nhiên, gần đây trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư BOT tại một số địa phương đã nảy sinh một số bất cập, các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, làm ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư./.